HÌNH BÓNG VỀ CỦA LỄ CHAY (p. 2)
Ngoài ra, cũng theo lời Kinh thánh về nghi thức dâng của lễ chay, thì dân Y-sơ-ra-ên phải dâng gié lúa mới, phải được rang trong lữa và cà nát, sau đó thêm dầu và nhũ hương vào. Ðây cũng là những hình bóng liên quan đến đời sống của Cơ-đốc-nhân chúng ta khi theo Chúa.
Khi một người ăn năn tội và tin nhận Ðức Chúa Jêsus Christ để sống một đời vâng phục trong Ngài thì người đó được kể là đã tái sanh và có một đời sống mới. (Tiến trình từ đất đến Thiên đàng gồm có ba giai đoạn là ăn năn để được tha tội, tái sanh và nên thánh mà chúng tôi sẽ có dịp trình bày trong một bài viết khác). So sánh với nghi thức dâng của lễ chay thì một đời sống như vậy được kể là gié lúa mới trong Chúa:
(Lê-vi ký 2: 14) Nếu ngươi dùng hoa quả đầu mùa đặng làm của lễ chay tế Đức Giê-hô-va, thì phải bằng gié lúa rang, hột lúa mới tán ra.
(2Cô-rinh-tô 5: 17) Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.
Nhưng gié lúa đó phải được rang trong lửa. Ðây là hình bóng mà Ðức Chúa Trời muốn dùng để mô tả về đời sống của Cơ-đốc-nhân sau khi tin Chúa cần phải được tôi luyện trong thử thách để được trưởng thành trong đức tin hầu có thể xứng đáng đứng trước mặt Ðấng Christ trong ngày Chúa tái lâm và xứng đáng cho Thiên đàng mai sau:
(1Phi-e-rơ 1: 7) Hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra.
(Gia-cơ 1: 12) Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài.
Sự thử thách trong đời sống của Cơ-đốc-nhân là điều cần thiết, cho nên lời của Chúa đã khuyên mỗi chúng ta chớ lấy điều đó làm lạ:
(1Phi-e-rơ 4: 12) Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường.
Trái lại, Cơ-đốc-nhân phải xem sự thử thách mà mình gặp phải như là một cái cớ để vui mừng trong Chúa, vì điều đó ích lợi cho chúng ta, để tập tành và phát triển những đức tính cần có của con cái Ðức Chúa Trời:
(Gia-cơ 1: 2-3) Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục.
Tại đây chúng tôi xin dừng một chút để đề cập đến phương pháp truyền giảng của một số tôi con Chúa. Nhằm để người chưa biết Chúa có thể gia nhập vào Hội thánh, một trong các cách những người đó sử dụng là chỉ làm chứng và giới thiệu về ơn phước của việc tin nhận Chúa mà không hề đề cập gì đến sự thử thách sẽ xãy ra. Nhưng theo lời Kinh thánh chúng ta vừa suy gẫm qua thì đó chỉ là một phần của Tin Lành mà thôi. Vì Cơ-đốc-nhân sau khi tin Chúa chắc chắn sẽ gặp rất nhiều thử thách, thử thách bên ngoài vì hậu quả của đời sống cũ, thử thách bên trong vì nhu cầu cần được lớn lên của đức tin, đó là chưa kể đến những bắt bớ, hy sinh mà người tân tín hữu phải chịu, phải quyết định để theo Chúa. Thế cho nên khi truyền giảng cho người chưa biết Chúa chúng ta cần phải hết sức chân thật về điểm nầy, kẻo không thì sẽ mắc phải sai lầm là vì quá muốn người khác tin nhận Chúa mà chính người truyền giảng lại phạm tội cố tình gian dối và che dấu sự thật với thân hữu mà mình đang làm chứng.
Tâm lý chung là ai cũng muốn được ơn phước, chính mỗi chúng ta cũng vậy, nên trong khi làm chứng cho người chưa biết Chúa thì Cơ-đốc-nhân cần khéo léo để giới thiệu những phước lành mà người tin Chúa sẽ nhận được đồng thời tìm cách để thỉnh thoảng cũng đề cập đến sự thử thách và hoạn nạn mà mỗi một người theo Chúa sẽ phải chịu, hầu không làm nhát sợ, nản lòng người vừa mới trở lại với Chúa, đồng thời cũng không làm họ quá chú ý về ơn phước mà quên rằng thử thách cũng có nữa. Với cách như vậy thì chúng ta giữ được lòng chân thật trước mặt Ðức Chúa Trời, vì Ngài là Ðấng đang quan sát công khó của chúng ta.
Sự thử thách mà Cơ-đốc-nhân phải chịu trong khi theo Chúa được Kinh thánh ví von như lửa, thì đồng một thể ấy, gié múa mới dâng làm của lễ cho Chúa cũng phải được đưa vào lửa để rang lên, sau đó thì được cà nát đi. Ðây cũng là hình ảnh mô tả cho đời sống tan vỡ, tự đóng đinh bản ngã tội lỗi của cá nhân để theo Chúa:
(Cô-lô-se 3: 5) Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa, tham lam, tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng.
Vì vậy nếu Cơ-đốc-nhân không chịu từ bỏ bản tánh cũ, đời sống cũ của mình để theo Chúa thì người đó chẳng thể nào xứng đáng cho Ngài. Chính sự từ bỏ mình như vậy là dấu hiệu của một đời sống nên thánh, là yêu cầu cần có để một người có thể nhận được sự cứu rỗi trong danh Ðức Chúa Jêsus Christ:
(1Tê-sa-lô-ni-ca 4: 3) Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế.
Theo kinh nghiệm mà tất cả các Cơ-đốc-nhân thật đã trãi qua, thì không phải là dễ dàng để tự bỏ bản ngã và đóng đinh tư dục của mình lên thập tự giá. Ðó là sự vật lộn thuộc linh, là sự chiến đấu giữa thiện và ác trong mỗi một đời sống muốn theo Chúa và xứng đáng với tình yêu Ngài. Chính Phao-lô đã từng có kinh nghiệm như vậy ngày ông trở lại với Chúa:
(Rô-ma 7: 21-25) Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi. Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng; nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy. Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy? Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta!
Ðể thắng hơn được bản ngã thì Cơ-đốc-nhân phải thật sự có Ðấng Christ ở trong đời sống mình. Như vậy thì chúng ta thấy Kinh thánh một lần nữa nhắc nhở chúng ta về hình bóng của việc cần phải có muối trong của lễ dâng lên cho Ðức Chúa Trời. (Chúng tôi sẽ dùng một dịp tiện khác để trình bày về bí quyết mà Kinh thánh đã dạy dỗ về việc làm thế nào có được sự hiện diện của Ðấng Christ trong đời sống của người theo Chúa).
Theo như lời Kinh thánh thì chúng ta có thể thấy được rõ ràng rằng Cơ-đốc-nhân không chỉ gặp thử thách để được tôi luyện mà cũng sẽ kinh nghiệm được lòng thống hối, đau thương khi vật lộn với bản ngã để từ bỏ đời sống cũ. Những tấm lòng đau thương thống hối như vậy là giá quý trước mặt Ðức Chúa Trời, vì chứng tỏ được sự thành tâm vâng phục, chịu hy sinh để vác thập tự mình mà theo Chúa:
(Thi thiên 51: 17) Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.
Ðến đây thì chúng ta có thể hiểu được tại sao trong nghi thức dâng của lễ chay thì gié lúa mới phải được rang trong lửa và phải được cà nát. Ðó là yêu cầu Ðức Chúa Trời đặt ra cho con dân Ngài cả trong thời đại Cựu ước lẫn Tân ước và đó là nguyên tắc phải có cho một đời sống muốn được tái sanh và nên thánh mà Ðức Chúa Jêsus đã mô tả về Ngài và là gương mẫu mà mỗi một Cơ-đốc-nhân cần phải noi theo:
(Giăng 12: 24) Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều.
(2Ti-mô-thê 2: 11) Lời nầy chắc chắn lắm: Ví bằng chúng ta chết với Ngài, thì cũng sẽ sống với Ngài.
(1Cô-rinh-tô 15: 36) Hỡi kẻ dại kia, vật gì ngươi gieo, nếu không chết đi trước đã, thì không sống lại được.
Chính bởi vì là yêu cầu, là nguyên tắc quan trọng cần có nên khi một người đã cầu nguyện tin Chúa nhưng lại không chịu từ bỏ bản ngã và thói quen tội lỗi của đời sống cũ (nghĩa là không chịu vác thập tự của chính mình) thì người đó không xứng đáng cho Thiên đàng (chúng tôi sẽ trình bày thêm về vấn đề không phải hễ cứ tin là được cứu trong một bài viết khác):
(Lu-ca 9: 23) Đoạn, Ngài phán cùng mọi người rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.
(Ma-thi-ơ 10: 38) Ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta.
(Rô-ma 6: 6) Vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa.
Trở lại với nghi thức dâng của lễ chay thì sau khi gié lúa mới đã được rang trong lửa và cà nát thì lúc bấy giờ mới thêm dầu và nhũ hương vào để dâng lên Chúa một cách đẹp lòng Ngài. Ở đây chúng ta thấy được thứ tự của nghi thức ngày xưa làm hình bóng hết sức tương ứng với tiến trình phát triển của đời sống Cơ-đốc-nhân: Gié lúa mới tượng trưng cho đời sống ăn năn tội và tin nhận Cứu Chúa Jêsus Christ, đời sống đó phải không còn men của cuộc đời và phải thật sự có Chúa ngự bên trong (có muối). Sau đó phải chịu thử thách (rang trong lửa) và đồng ý đóng đinh bản ngã (bị cá tán, tức là làm cho chết) hầu đạt được sự nên thánh trong Chúa. Khi đã xứng đáng rồi thì lúc bấy giờ Ðức-Thánh-Linh (dầu) mới ngự vào bên trong đời sống ấy (Ngài là Ðấng Thánh Khiết nên không thể ngự vào một đời sống chưa được nên thánh) và khiến cho Cơ-đốc-nhân trở nên hương thơm của Ðấng Christ ở giữa trần gian để làm nhân chứng cho Ðức Chúa Trời, là điều đẹp lòng Ngài:
(2Cô-rinh-tô 2: 14) Song tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài làm cho chúng tôi được thắng trong Đấng Christ luôn luôn, và bởi chúng tôi, Ngài rải mùi thơm về sự nhận biết Ngài khắp chốn!
Ðó là tiến trình về đời sống mới của một người trở lại với Chúa theo gương mẫu của Kinh thánh. Trong những ngày đầu năm mới Âm lịch 2016 chúng tôi ao ước những lời Kinh thánh vừa được trưng dẫn qua sẽ khích lệ chúng ta bước theo Chúa đúng đường lối của Ngài đã chỉ định để có thể thấy được Thiên đàng trong tương lai.