SAI LẦM CỦA ÐỨC TIN THỜ Ơ VỚI KINH THÁNH

Khi chúng ta theo Chúa thì có nhiều điều trong đời thuộc linh cần phải học hỏi, không phải chỉ vì những điều đó hữu ích và quan trọng đối với sự cứu rỗi của chúng ta, mà cũng vì chúng ta yêu Chúa. Nếu nhìn vào thực tế đời sống thì chúng ta có thể thấy được cách của con người yêu nhau. Khi yêu thì người ta mong muốn được ở gần, được chuyện trò với người mà họ yêu. Họ thích nghe tiếng của nhau, họ mong muốn hiểu biết ý tưởng, quan niệm sống của nhau. Cũng một thể ấy, khi một Cơ-đốc-nhân thật sự yêu mến Chúa thì sẽ cảm thấy sự khao khát trong đời sống mình muốn được tương giao với Ngài, trò chuyện với Ngài, muốn biết tỏ tường ý muốn của Ngài. Chính vì tâm tình đó mà Cơ-đốc-nhân trân trọng, yêu mến và hết sức tìm biết ý muốn của Chúa qua Kinh thánh:

(2Giăng 1: 3) Vì tôi rất lấy làm vui vẻ mà thấy mấy anh em đến đây, làm chứng về anh yêu mến lẽ thật, và về cách anh làm theo lẽ thật ấy là thể nào.

Ngày xưa thì con dân Chúa được khuyên phải suy gẫm lời của Chúa ngày và đêm, như thời dân Y-sơ-ra-ên vừa mới vào Ðất hứa:

(Giô-suê 1: 8) Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.

Nhưng trong thời kỳ ân điển, vì sự cảm động của Ðức-Thánh-Linh bên trong lòng chúng ta mà Cơ-đốc-nhân yêu mến lời Kinh thánh, vì đó là chân lý, là lẽ thật, và qua đó chúng ta tương giao với Ðức Chúa Trời qua Thánh Linh, vì Ngài là Thần Lẽ Thật:

(1Giăng 5: 7) Ấy là Đức Thánh Linh đã làm chứng, vì Đức Thánh Linh tức là lẽ thật.

(Giăng 16: 13) Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.

Lời của Chúa cho biết tỏ tường rằng khi một Cơ-đốc-nhân yêu mến Ngài thì ao ước được sống một đời vâng lời, tức là biết vâng giữ theo điều răn của Ðức Chúa Trời đã có ghi lại trong Kinh thánh:

(1Giăng 5: 3) Vì nầy là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài. Điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.

Nhưng nếu không tra cứu Kinh thánh thì làm sao Cơ-đốc-nhân biết những điều nào mình cần nên làm và những điều nào mình cần phải tránh? Ðức Chúa Jêsus đã tóm gọn tất cả các điều răn của Ðức Chúa Trời thành hai điều để con dân Ngài dễ nhớ, mà chúng ta thường nói một cách ngắn gọn là ‘Kính Chúa, yêu người’. Nhưng đó không phải là cái cớ để Cơ-đốc-nhân biếng nhác trong việc suy gẫm và nghiên cứu lời của Chúa. Thử hỏi rằng mặc dầu chúng ta biết phải kính Chúa, phải yêu người, nhưng kính Chúa như thế nào, và yêu người ra sao? Nếu không suy gẫm và nghiên cứu Kinh thánh thì dễ lắm mà Cơ-đốc-nhân kính Chúa bằng đường lối riêng của mình và yêu người theo tâm lý thông thường của thế gian. Kinh thánh cho biết rằng khi chúng ta yêu kính Chúa thì phải thờ phượng Ngài bằng lẽ thật, nhưng nếu không suy gẫm, không nghiên cứu Kinh thánh thì làm sao Cơ-đốc-nhân chúng ta biết thờ phượng Chúa thế nào cho phải lẽ?

(Giăng 4: 23) Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy.

Còn về phần yêu người thì trong thực tế chúng ta có thể thấy hằng hà sa số trường hợp mà Cơ-đốc-nhân yêu thương một cách mù quáng đến nỗi bị lợi dụng, thậm chí còn làm ô danh Chúa nữa. Kinh thánh dạy dỗ là chúng ta phải yêu thương trong lẽ thật, nhưng có bao nhiêu người hiểu được yêu thương trong lẽ thật là thế nào?

(1Giăng 3: 18) Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.

Chính vì vậy mà Ðức Chúa Jêsus đã dạy dỗ rằng chỉ những kẻ làm theo ý muốn của Ðức Chúa Trời mới hưởng được sự sống đời đời, nhưng nếu không suy gẫm, không nghiên cứu Kinh thánh một cách cẩn thận chi tiết thì làm sao biết được điều nào là ý muốn của Ðức Chúa Trời để làm theo, điều nào là quan điểm của xác thịt để biện biệt cho rõ ràng?

(Ma-thi-ơ 7: 21) Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước Thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.

Kinh thánh lại cho biết thêm rằng không phải cứ hễ tin Chúa là được cứu, nhưng phải có một đời sống nên thánh mới được vào Thiên đàng:

(Hê-bơ-rơ 12: 14) Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.

Lời của Chúa là chân thật và khi Ngài đã phán thì không có gì thay đổi được. Nhưng một đời sống nên thánh phải thế nào thì ít có Cơ-đốc-nhân biết rõ ràng. Nếu không cẩn thận suy gẫm và nghiên cứu Kinh thánh thì chúng ta khó đạt được điều mà Ðức Chúa Trời đòi hỏi, vì Chúa cho biết là chỉ bởi sống theo lẽ thật trong Kinh thánh thì chúng ta mới được kể là nên thánh mà thôi:

(Giăng 17: 17) Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật.

Nhưng có một điều đáng tiếc là nhiều tôi con Chúa cứ nêu cao khẩu hiệu về đức tin đơn sơ để biện minh cho việc thiếu hiểu biết ý muốn Chúa của họ. Nhiều người cho rằng đức tin đơn sơ mới được cứu, còn đức tin của thần học gia thì không cứu rỗi được linh hồn. Chúng tôi không có ý bênh vực cho những nhà thần học, vì họ có đủ khả năng để bênh vực chính họ. Nhưng về câu nói trên thì chúng tôi xin được thắc mắc thế nầy: Nếu cho rằng đức tin của thần học gia không cứu được linh hồn thì những người dâng mình hầu việc Chúa đến trường thần học làm gì cho phí uổng thời gian? Nếu họ là những người có đức tin vô ích thì cần gì phải học từ nơi họ? Cứ bước thẳng vào đời hầu việc Chúa, truyền giảng, là được rồi, cần gì phải mất bốn năm năm quý giá của cuộc đời mình? Các anh em ấy tuyên bố như thế mà không hề chịu suy nghĩ và biện biệt về đức tin đơn sơ giống như con trẻ là thể nào. Chẳng lẽ đức tin của thần học gia Martin Luther, một giáo sư của trường thần học không thể cứu rỗi được linh hồn, vậy thì cuộc cải chánh của Tin lành ngày trước hoàn toàn vô ích sao? Chúng tôi thiển nghĩ đã là con dân của Chúa, dầu là người ở trong chức vụ hay là một Cơ-đốc-nhân bình thường thì khi tuyên bố điều gì có liên quan đến đời thuộc linh thì cũng phải nên cẩn thận, không thể nào muốn nói là cứ nói, bất chấp tín lý, bất chấp lẽ thật, bất chấp hậu quả. Các anh em ấy cứ tuyên bố lung tung về những lẽ đạo căn bản trong Kinh thánh thì hóa ra xem thường linh hồn của con người rồi. Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta chỉ có một vật duy nhất mà thôi, là quyển Kinh thánh, hầu Cơ-đốc-nhân có thể hiểu biết về Ngài và ý muốn của Chúa cho chính mình, cho nhân loại, mà các anh em ấy nghĩ là chỉ cần hiểu lời của Chúa đơn sơ cũng đã đủ rồi. Sao mà các anh em ấy coi thường công khó của Ðức Chúa Trời quá vậy? Ðã có biết bao đời sống, máu xương đổ ra để chúng ta có được quyển Kinh thánh trên tay như ngày nay, mà các anh em ấy chỉ lục tìm một vài câu Kinh thánh để bênh vực cho quan điểm cá nhân mình rồi thôi, bỏ qua những phần quan trọng khác. Sao các anh em xem thường sự hy sinh của người đi trước quá vậy? Nhiều người thậm chí còn trưng dẫn gương của Phi-e-rơ để biện minh cho sự biếng nhác trong việc suy gẫm nghiên cứu Kinh thánh khi nói rằng Phi-e-rơ ngày xưa là người đánh cá dốt nát thất học mà còn được Chúa sử dụng, thì ngày nay tôi cần gì phải học Kinh thánh cho nhiều, chỉ cần có đức tin đơn sơ biết vài ba câu gốc là đã đủ. Tại sao các anh em không nhớ lời của Phi-e-rơ khuyên về việc phải tăng cường tri thức trong đời thuộc linh, tức là phải hiểu biết Kinh thánh sâu nhiệm hơn ngày mới trở lại với Chúa?

(2Phi-e-rơ 1: 5-) Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến. Vì nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đâu.

Cơ-đốc-nhân chúng ta biết về Ðức Chúa Jêsus bao nhiêu mà đã thờ ơ với Kinh thánh rồi? Chẳng lẽ tất cả những điều Ngài dạy dỗ chỉ nằm trong vài câu gốc thôi sao mà các anh em cho là với đức tin đơn sơ cũng được cứu? Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp trình bày thêm về vấn đề đức tin (nhất là ý nghĩa thật sự của chữ đức tin đơn sơ, chớ không phải là loại đức tin không cần nghiên cứu Kinh thánh nhiều). Vì đây là một đề tài quan trọng liên quan đến sự cứu rỗi linh hồn, nhất là của chính mình, nên Cơ-đốc-nhân chúng ta không thể thờ ơ được.

Có người biện minh rằng trách nhiệm lớn nhất của Cơ-đốc-nhân là truyền giảng để dẫn người khác về với Chúa, cho nên vì thế mà tập trung vào công tác ấy đến nỗi quên suy gẫm Kinh thánh. Chúng tôi cũng đồng ý là chúng ta phải nổ lực trong sự truyền giảng, nhưng phần còn lại trong đại mạng lệnh của Chúa thì các anh em kia bỏ đi đâu?

(Ma-thi-ơ 28: 19-20) Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.

Ðức Chúa Jêsus đã phán tỏ tường rằng sau khi đã dẫn người khác về với Chúa, đã làm phép báp-tem cho họ, thì phải hướng dẫn họ biết về mọi điều Chúa đã dạy dỗ trong Kinh thánh và khích lệ họ vâng giữ tất cả những điều ấy. Ðó là đại mạng lệnh của Chúa. Công tác truyền giảng thì Cơ-đốc-nhân đều đã biết, nhưng về mọi điều mà Chúa đã dạy dỗ thì chúng ta biết được bao nhiêu? Chúa không hề phán là dạy các tân tín hữu giữ một vài điều mà Chúa đã cho ghi lại trong Kinh thánh, mà là mọi điều, là 100%. Nhưng nếu không suy gẫm, không nghiên cứu Kinh thánh cẩn thận thì làm sao chúng ta biết có bao nhiêu điều để giữ theo? Nhiều người cứ nhắc đi nhắc lại ba chữ đại mạng lệnh, nhưng tôi con Chúa chỉ thực hiện có phân nữa phần đầu thì tưởng là đã làm đẹp lòng Ðức Chúa Trời sao? Nếu đem nhiều người vào Hội thánh mà không biết để vâng giữ theo mọi điều Chúa đã dạy dỗ thì chúng ta tưởng rằng chính mình đã xứng đáng là muối của đất, là ánh sáng của thế gian, xứng đáng được gọi là Hội của những người biệt riêng ra thánh cho Ðức Chúa Trời? Ấy đó là một trong những lý do Hội thánh vẫn chưa làm chứng tốt cho thế gian, vì đời sống của Cơ-đốc-nhân có khác với họ bao nhiêu đâu.

Vì vậy chúng tôi xin được khích lệ quý anh chị em trong việc suy gẫm Kinh thánh qua các bài viết nầy. Ðại mạng lệnh của Chúa phải được thực hiện song song, cùng một lúc. Hễ có người trồng thì phải có người tưới. Nếu chúng ta biết kết hiệp công tác như vậy thì tốt cho Hội thánh chung, cho công việc của Chúa trên đất biết là bao nhiêu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *