ÐỨC TIN CỦA GIĂNG BÁP-TÍT (p. 3)
Trong Kinh thánh có cho biết là khi Ðức Chúa Jêsus tỏ mình để thi hành chức vụ, thì có nhiều người trông đợi rằng Ngài sẽ giải cứu dân Giu-đa khỏi ách thống trị của đế quốc La-mã, thậm chí họ còn muốn tôn Ngài lên làm vua:
(Giăng 6: 15) Bấy giờ Đức Chúa Jêsus biết chúng có ý đến ép Ngài để tôn làm vua, bèn lui ở một mình trên núi.
Vì tấm lòng trông đợi ấy mà dân chúng lúc ban đầu cứ thắc mắc không biết Giăng Báp-tít có phải là Ðấng Christ hay không:
(Lu-ca 3: 15) Bởi dân chúng vẫn trông đợi, và ai nấy đều tự hỏi trong lòng nếu Giăng phải là Đấng Christ chăng.
Ngay cả các môn đồ của Ngài cũng đinh ninh trong lòng rằng nếu Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Christ thì chắc Ngài phải giải cứu dân Giu-đa khỏi sự cai trị của người La-mã:
(Lu-ca 24: 21) Chúng tôi trông mong Ngài sẽ cứu lấy dân Y-sơ-ra-ên; dầu thể ấy, việc xảy ra đã được ba ngày rồi.
Vì các câu Kinh thánh trên mà có nhiều người suy diễn rằng Giăng Báp-tít cũng có lòng trông mong Ðức Chúa Jêsus giải cứu dân Y-sơ-ra-ên và lên làm vua, và vì ông không thấy Chúa có ý định đó nên sinh ra nghi ngờ không biết Ngài có phải là Ðấng Christ hay không.
Nhưng sự suy diễn như vậy là không phù hợp với Kinh thánh. Mặc dầu đoàn dân đông và các môn đồ của chính Ðức Chúa Jêsus tưởng rằng chức vụ của Ðấng Christ là giải cứu dân Giu-đa trong phương diện thuộc thể (tức là cứu khỏi ách đô hộ của La-mã), nhưng Giăng Báp-tít thì biết rõ rằng Ðấng Christ đến để cứu con người thoát khỏi tội lỗi:
(Giăng 1: 29) Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.
(Giăng 1: 35-36) Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình; nhìn Đức Chúa Jêsus đi ngang qua, bèn nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời!
Khi Kinh thánh cho ghi lại 2 lần lời nói của Giăng Báp-tít thì điều đó có nghĩa là Chúa muốn chúng ta nhận biết rằng Giăng Báp-tít nhờ sự soi dẫn của Ðức-Thánh-Linh mà biết được điều người bình thường không thể biết. Ngoại trừ bốn người, là thầy tế lễ Xa-cha-ri, bà Ê-li-sa-bét vợ của ông, cụ Si-mê-ôn và bà An-ne, thì trong thời gian Ðức Chúa Jêsus còn thi hành chức vụ của Ngài chỉ có một mình Giăng Báp-tít là được cảm động bởi Ðức-Thánh-Linh (nhưng Giăng Báp-tít hơn hẳn bốn người kia vì Kinh thánh cho biết là ông không những được cảm động mà còn được đầy dẫy Ngài).
Khi suy diễn rằng Giăng Báp-tít cũng hiểu lầm về chức vụ của Ðức Chúa Jêsus như các môn đồ và đoàn dân đông thì các anh em kia đã xem thường hoặc quên mất đặc điểm của đời sống Giăng Báp-tít, là người được đầy dẫy Ðức-Thánh-Linh suốt đời. Thử nghĩ mà xem, suy diễn rằng một người được đầy dẫy Ðức-Thánh-Linh mà vẫn lầm lẫn đường lối và chương trình của Chúa như bao nhiêu người bình thường khác thì còn có gì vô lý cho bằng? Hoặc có lẽ vì quan niệm như vậy mà có rất nhiều người trong vòng Cơ-đốc-nhân cứ tự xưng mình là được đầy dẫy Ðức-Thánh-Linh trong khi đó chân lý, lẽ thật trong Kinh thánh vẫn không biết, không hiểu, không thấu đáo? Hoặc giả vì quan niệm đó mà ngày nay người nào cũng có thể diễn giải Kinh thánh mà không cần tra cứu, học hỏi, tìm hiểu, cầu nguyện, trông đợi cho được sự soi dẫn của Chúa, vì nghĩ rằng bằng cấp, học vị, chức vụ đủ để ngang bằng với sự đầy dẫy Ðức-Thánh-Linh?
Ðể minh chứng thêm cho điều mà chúng tôi đang trình bày thì chúng ta thử xem xét đến đời sống của các môn đồ Ðức Chúa Jêsus. Mặc dầu họ đã theo Chúa trong những năm tháng Ngài thi hành chức vụ, nhưng vì chưa nhận được sự thăm viếng của Ðức-Thánh-Linh nên đức tin của họ còn ít ỏi, yếu ớt, và khi hoạn nạn thử thách đến thì họ bỏ Chúa mà chạy, hoặc chối Ngài chỉ vì mấy kẻ đầy tớ của nhà quan quyền mà thôi:
(Mác 4: 40) Đoạn, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao?
(Ma-thi-ơ 8: 26) Ngài phán rằng: Hỡi kẻ ít đức tin kia, cớ sao các ngươi sợ? Ngài bèn đứng dậy, quở gió và biển; thì liền yên lặng như tờ.
(Ma-thi-ơ 26: 56) Nhưng mọi điều ấy phải xảy đến, hầu cho những lời các đấng tiên tri đã chép được ứng nghiệm. Khi ấy, hết thảy môn đồ bỏ Ngài mà trốn đi.
(Ma-thi-ơ 26: 71-72) Khi đi ra ngoài cửa, lại có một đầy tớ gái khác thấy người, bèn nói cùng kẻ ở đó rằng: Người nầy cũng ở với Jêsus, người Na-xa-rét. Song Phi-e-rơ lại chối và thề rằng: Ta chẳng hề biết người ấy.
Nhưng khi các môn đồ, sứ đồ được Ðức-Thánh-Linh thăm viếng và đầy dẫy Ngài thì đời sống của họ được thay đổi. Họ trở nên những người can đảm và hiểu biết đường lối, chương trình, ý muốn của Ðức Chúa Trời:
(Công vụ 5: 39-41) Chúng nghe theo lời người, thì đòi các sứ đồ trở vào, sai đánh đòn, rồi cấm không được lấy danh Đức Chúa Jêsus mà giảng dạy; đoạn, tha ra. Vậy, các sứ đồ từ tòa công luận ra, đều hớn hở về mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Jêsus.
(Công vụ 2: 36) Vậy, cả nhà Y-sơ-ra-ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Jêsus nầy, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ.
Như vậy, qua tất cả những câu Kinh thánh đã trưng dẫn thì chúng ta có thể biết chắc một điều rằng Giăng Báp-tít, nhờ được đầy dẫy Ðức-Thánh-Linh, không hề lầm lẫn về chức vụ là Ðấng Christ của Ðức Chúa Jêsus. Vậy thì lý do duy nhất còn lại khiến cho ông hỏi thăm về chức vụ của Ðức Chúa Jêsus là vì đức tin của các môn đồ của ông.
Ðây là những nhân vật mà hầu như tất cả các Cơ-đốc-nhân đều bỏ qua, chẳng ai để ý đến. Nhưng nếu Kinh thánh đã cho biết là dẫu một chấm, một nét trong lời của Ðức Chúa Trời cũng không thể bỏ qua được và vì cả Kinh thánh được Ðức Chúa Trời soi dẫn nên chúng ta khi nghiên cứu về đời sống của Giăng Báp-tít thì không thể nào không suy nghĩ đến các môn đồ của ông. Không phải là tình cờ mà Kinh thánh có nhắc nhở về họ.
Theo như lời Kinh thánh thì chúng ta biết rằng khi Giăng Báp-tít bị giam trong ngục thì chỉ có các môn đồ của ông đến thăm viếng mà thôi. Một điểm khác nữa mà chúng ta cần để ý là Giăng Báp-tít bị bắt giam một thời gian ngắn sau khi Ðức Chúa Jêsus chịu lễ báp-tem và trước khi Ngài thi hành chức vụ trong xứ Ga-li-lê:
(Ma-thi-ơ 4: 12) Vả, khi Đức Chúa Jêsus nghe Giăng bị tù rồi, thì Ngài lánh qua xứ Ga-li-lê.
(Mác 1: 14) Sau khi Giăng bị tù, Đức Chúa Jêsus đến xứ Ga-li-lê, giảng Tin lành của Đức Chúa Trời.
Vì vậy, những điều mà Ðức Chúa Jêsus thực hiện trong khi Ngài thi hành chức vụ thì được các môn đồ của Giăng Báp-tít tường thuật lại cho ông nghe lúc ở trong tù, chẳng hạn như câu chuyện về việc Ðức Chúa Jêsus cứu sống đứa con trai tại thành Na-in:
(Lu-ca 7: 11-18) Bữa sau, Đức Chúa Jêsus đi đến một thành, gọi là Na-in, có nhiều môn đồ và một đoàn dân đông cùng đi với Ngài. Khi Ngài đến gần cửa thành, họ vừa khiêng ra một người chết, là con trai một của mẹ góa kia; có nhiều người ở thành đó đi đưa với bà góa ấy. Chúa thấy, động lòng thương xót người, mà phán rằng: Đừng khóc! Đoạn, Ngài lại gần, rờ quan tài, thì kẻ khiêng dừng lại. Ngài bèn phán rằng: Hỡi người trẻ kia, ta biểu ngươi chờ dậy. Người chết vùng ngồi dậy và khởi sự nói. Đức Chúa Jêsus giao người lại cho mẹ. Ai nấy đều sợ hãi, và ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: Có đấng tiên tri lớn đã dấy lên giữa chúng tôi, và Đức Chúa Trời đã thăm viếng dân Ngài. Tin nầy đồn ra khắp xứ Giu-đê, và khắp xứ xung quanh nơi đó nữa. Môn đồ của Giăng trình lại hết cả chuyện đó với người.
Nhưng chúng ta cũng phải chú ý đến một điểm quan trọng khác, ấy là trước khi Giăng Báp-tít hỏi về chức vụ của Ðức Chúa Jêsus thì chính các môn đồ của ông thắc mắc về các hành xử của Chúa:
(Ma-thi-ơ 9: 14) Khi ấy, các môn đồ của Giăng đến tìm Đức Chúa Jêsus, mà thưa rằng: Cớ sao chúng tôi và những người Pha-ri-si kiêng ăn, còn môn đồ thầy không kiêng ăn?
Lúc bấy giờ cả nhóm môn đồ của Ðức Chúa Jêsus và của Giăng Báp-tít đều không có người nào được cảm động bởi Ðức-Thánh-Linh, vì Ngài chưa được ban xuống theo chương trình của Chúa. Vì vậy mà cả hai nhóm môn đồ đều thắc mắc về việc làm của Ðức Chúa Jêsus. Họ đều bị in trí rằng khi Ðấng Christ đến thì Ngài sẽ giải cứu dân Giu-đa khỏi ách thống trị của người La-mã, nhưng trái lại Ðức Chúa Jêsus chỉ giảng đạo và chữa bệnh mà thôi. Chính vì lẽ đó mà các môn đồ của Ðức Chúa Jêsus cũng không biết chính xác thầy của họ là ai, huống chi là môn đồ của Giăng Báp-tít:
(Lu-ca 8: 25) Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Đức tin các ngươi ở đâu? Môn đồ sợ hãi và bỡ ngỡ, nói với nhau rằng: Người nầy là ai, khiến đến gió và nước, mà cũng phải vâng lời người?
Khi các môn đồ của Ðức Chúa Jêsus thắc mắc thì họ có thể hỏi trực tiếp Ngài, nhưng môn đồ của Giăng thì không được có những cơ hội gần gũi như vậy, vì sau mỗi một lần giảng dạy thì Ðức Chúa Jêsus lánh vào trong đồng vắng hoặc trong nhà để được ở một mình với Ðức Chúa Trời. Vì vậy môn đồ của Giăng Báp-tít chỉ còn biết hỏi thầy của họ mà thôi. Chắc chắn một điều là dẫu Giăng Báp-tít biết chương trình của Ðức Chúa Trời và chức vụ của Ðức Chúa Jêsus để giải thích cho môn đồ của ông, nhưng sự trả lời chính xác nhất hoặc sự giải thích rõ ràng nhất vẫn phải là từ môi miệng của Ðức Chúa Jêsus. Chính vì lẽ đó mà Giăng Báp-tít đã sai các môn đồ đến để hỏi Chúa, không phải vì cớ ông nghi ngờ, mà là để các môn đồ của ông có thể trực tiếp nghe được lời giải thích từ nơi Ðức Chúa Jêsus.
Có một điểm nữa mà chúng ta phải để ý trong lời Kinh thánh, ấy là mặc dầu các môn đồ của Ðức Chúa Jêsus vẫn thường hỏi Ngài nhiều điều về nước Thiên đàng, về các thí dụ, về luật pháp, nhưng những điều có liên quan đến Ðấng Christ thì nhiều lúc họ sợ không dám hỏi trực tiếp Ngài, huống chi là môn đồ của Giăng Báp-tít, nhất là khi Chúa cho biết rằng Ngài sẽ chịu chết:
(Mác 9: 30-) Đoạn, đi khỏi đó, trải qua xứ Ga-li-lê, Đức Chúa Jêsus không muốn cho ai biết. Vì Ngài dạy các môn đồ rằng: Con người sẽ bị nộp trong tay người ta, họ sẽ giết đi; Ngài bị giết đã ba ngày rồi, thì sẽ sống lại. Nhưng môn đồ không hiểu lời ấy, lại sợ không dám hỏi Ngài.
Ðiều mà Ðức Chúa Jêsus dạy về Ðấng Christ ngược với quan điểm của họ nên các môn đồ sợ hãi không dám hỏi Ngài cho thật cặn kẻ. Trái ngược là vì họ nghĩ rằng Ðấng Christ đến để làm vua, trong khi đó Ðức Chúa Jêsus lại cho biết rằng Ðấng Christ đến để chịu chết. Chúng ta nhớ là chính Phi-e-rơ đã từng cản Ðức Chúa Jêsus, xin Ngài đừng đi lên thành Giê-ru-sa-lem để tránh khỏi cái chết:
(Ma-thi-ơ 16: 20-22) Đoạn, Ngài cấm môn đồ đừng nói cho ai biết rằng Ngài, Đức Chúa Jêsus, là Đấng Christ. Từ đó, Đức Chúa Jêsus mới tỏ cho môn đồ biết rằng mình phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại. Phi-e-rơ bèn đem Ngài riêng ra, mà can rằng: Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!
Như vậy theo lời giải thích của Ðức Chúa Jêsus thì chức vụ của Ðấng Christ là đến thế gian để chịu chết. Giăng Báp-tít đã biết điều đó, vì ông từng làm chứng và nhấn mạnh đến 2 lần rằng Ngài là Chiên Con (tức là của lễ để bị giết mà làm sinh tế trên bàn thờ) của Ðức Chúa Trời. Và nếu các môn đồ thân cận của Ðức Chúa Jêsus còn không dám hỏi Ngài khi biết đó là sứ mạng của Ðấng Christ, thì huống chi là môn đồ của Giăng Báp-tít (vì hỏi về Ðấng Christ cách như vậy, tức là Ngài đến không phải để làm vua, thì chẳng khác gì hỏi rằng Ngài có phải là Ðấng đến để chịu chết đó chăng?). Thế nên, vì thắc mắc cần phải hỏi, nên họ đến hỏi Chúa bằng lời của Giăng chớ không bằng lời của chính họ. Và để trả lời thì Ðức Chúa Jêsus cũng đáp lại cho họ bằng cách ấy, tức là trả lời cho Giăng chớ không trả lời trực tiếp cho họ, dầu vậy Ngài vẫn nhắc nhở Giăng Báp-tít đừng để các môn đồ vấp phạm vì không hiểu biết về chương trình của Ðức Chúa Trời.
Chính vì biết tại sao các môn đồ của Giăng Báp-tít hỏi như thế, nên sau khi trả lời xong thì Ðức Chúa Jêsus xoay sang đoàn dân có mặt tại đấy (chắc chắn là các môn đồ Ngài cũng có ở đó nữa) để xác nhận với mọi người về tính cách tiên tri của Giăng Báp-tít:
(Ma-thi-ơ 11: 7-9) Khi họ ra về, Đức Chúa Jêsus mới phán về việc Giăng cho đoàn dân nghe, rằng: Các ngươi đã đi xem chi trong đồng vắng? Có phải xem cây sậy bị gió rung chăng? Các ngươi đi xem cái chi nữa? Có phải xem người mặc áo tốt đẹp chăng? Kìa, những người mặc áo tốt đẹp thì ở trong đền vua. Nhưng các ngươi lại đi xem cái chi nữa? Có phải là xem đấng tiên tri chăng? Phải, ta nói cùng các ngươi, cũng hơn đấng tiên tri nữa.
Người tiên tri là người được Ðức Chúa Trời bày tỏ chương trình hoặc ý muốn của Ngài để người ấy có thể rao báo với dân sự. Họ là người biết chương trình của Chúa trước những người khác. Khi Ðức Chúa Jêsus nhấn mạnh rằng Giăng Báp-tít còn hơn cả tiên tri nữa thì Ngài muốn môn đồ và những người có mặt tại đấy biết rằng không phải ông hỏi vì cớ không biết chương trình của Chúa hoặc không biết Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Christ, nhưng ông hỏi chỉ vì sự thắc mắc của các môn đồ đó thôi.
Ðến đây thì chúng tôi tin rằng các anh chị em đã có thể hiểu vì sao Giăng Báp-tít hỏi Ðức Chúa Jêsus những câu hỏi như vậy. Thế nên, xin đừng một anh chị em nào tưởng rằng theo Chúa với đức tin còn nghi ngờ mà vẫn được cứu. Suy nghĩ như vậy, tin như vậy là tai hại lắm cho linh hồn của chính mình. Suy diễn như vậy, giảng dạy như vậy thì nguy hiểm lắm cho linh hồn của người khác.
Chúng tôi phải trình bày hết sức chi tiết để các anh chị em có thể thấy được rằng khi nghiên cứu về bất cứ điều lớn nhỏ nào trong Kinh thánh, dầu là một lời nói hay một tín lý quan trọng, thì chúng ta đều phải nên so sánh, xem xét với tất cả các câu gốc có liên quan đến vấn đề ấy để chắc chắn rằng mình hiểu lời của Chúa theo ý của Ngài chớ không phải theo quan điểm riêng của con người, bất kể người đó là ai. Vì nếu chúng ta đều biết rằng Kinh thánh là kho tàng quý báu hơn hết của nhân loại, và nhờ lời của Chúa mà được cứu rỗi linh hồn, thì chúng ta phải nghiên cứu lời của Ngài cách cẩn trọng kỹ lưỡng như là một người tìm kho tàng, như một người thợ đào bới mỏ quý kim, phải xuống sâu, xuống xa để hiểu trọn vẹn những điều sâu nhiệm Chúa muốn bày tỏ. Ðức Chúa Trời là Ðấng Khôn Ngoan đã viết lời của Kinh thánh, mà một Cơ-đốc-nhân nghĩ rằng với trí não con người chỉ cần đọc qua 5 phút là đã đủ để hiểu hết lời của Ngài, thì hóa ra người ấy đang khinh dễ Chúa biết là bao nhiêu.