TẠI SAO CÓ TÊN GỌI LÀ HỘI THÁNH BAPTIST?

Trong khi liên lạc với con cái Chúa ở nhiều nơi, trong cũng như ngoài nước, thì có một vài người đã hỏi thăm chúng tôi là vì sao mà lại có tên gọi là Hội thánh Baptist. Các anh chị em ấy tưởng lầm rằng đây là Hội thánh lấy theo tên của Giăng Báp-tít. Vì vậy trong bài viết nầy chúng tôi xin trả lời về thắc mắc ấy.

Sự thắc mắc của các anh chị em ấy xuất phát từ lý do là không được học biết về lịch sữ của Hội thánh chung, nhất là lịch sữ từ sau thời kỳ Cải chánh. Cơ-đốc-nhân chúng ta khi theo Chúa cần nên biết về dòng lịch sữ nầy vì đó là một phần của đức tin chúng ta. Vì nếu không biết thì Cơ-đốc-nhân sẽ dễ bị hướng dẫn sai lạc theo quan điểm cá nhân và đôi khi bởi sự tính toán thiệt hơn của những người hướng dẫn Hội thánh. Khi chúng tôi trình bày thêm trong các phần sau thì các anh chị em có thể thấy được điều đó.

Trước nhất thì chúng tôi muốn giải thích một chút về chữ Hội thánh Baptist và sau đó thì sẽ đi vào chi tiết lịch sữ của Hội thánh Baptist. Chữ Baptist có nghĩa là người chịu phép báp-tem (đây là tiếng ngoại quốc, không phải tiếng Việt). Trong tiếng Anh thì chữ lễ báp-tem là baptism, tiến hành nghi thức báp-tem là baptize và chữ người làm lễ báp-tem hoặc người đã chịu phép báp-tem là baptist. Vì vậy chữ Hội thánh Baptist có nghĩa là Hội thánh của những người đã chịu phép báp-tem trong Chúa. Vì cớ sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ và nếu chúng tôi dùng chữ thuần Việt để mô tả về Hội thánh thì bảng tên ở trước cửa nhà thờ sẽ rất dài (thí dụ: Hội thánh Lẽ Thật của những người đã chịu lễ báp-tem trong Ðấng Christ, số 111 đường… quận… thành phố…) vì vậy mà phải dùng chữ bằng tiếng Anh để được ngắn gọn, là Hội thánh Baptist Lẽ Thật.

Ðối với các anh chị em trong nước thì chúng tôi xin được giải thích thêm về tên của Giăng Báp-tít. Có thể một số người đã biết tại sao Giăng có tên nầy, dầu vậy vẫn có thể lầm lẫn khi nghe đề cập đến tên Hội thánh Baptist. Trong văn hóa và ngôn ngữ tiếng Việt thì họ đi trước mà tên thì theo sau, chẳng hạn như Trần văn A, nhưng trong tiếng Anh và trong phần nhiều ngôn ngữ khác của thế giới thì tên lại đi trước mà họ thì nằm cuối cùng, chẳng hạn như Martin Luther (tên của ông là Martin mà họ là Luther). Trong ngôn ngữ Do-thái cũng được sắp xếp theo cách tương tự, chẳng hạn như Jacob Ben Canaan (Jacob là tên, mà Ben Canaan là họ, có nghĩa là Jacob con của Ca-na-an. Ðây là một tên họ điển hình trong vòng người Do-thái lưu vong nhằm nhắc nhở các thế hệ về phần đất mà Chúa đã hứa ban cho họ đời đời). Nhưng đối với Giăng Báp-tít thì lại là trường hợp ngoại lệ. Trong văn hóa và ngôn ngữ của người Y-sơ-ra-ên không có họ Báp-tít. Kinh thánh cũng không hề cho biết họ của thầy tế lễ Xa-cha-ri và của bà Ê-li-xa-bét, chỉ đề cập rằng ông thuộc về ban (tức là họ) A-bi-a, còn bà thì thuộc về dòng A-rôn (cả hai họ đều thuộc chi phái Lê-vi):

(Lu-ca 1: 5) Trong đời Hê-rốt, vua nước Giu-đê, có một thầy tế lễ, về ban A-bi-a, tên là Xa-cha-ri; vợ người là Ê-li-sa-bét, thuộc về chi phái A-rôn.

Chúng ta có thể tạm gọi tên hai ông bà như thế nầy (chỉ là thí dụ mà thôi), là Zacharia Ben Abiatha và Elizabeth Aaron. Như vậy thì khi sanh ra Giăng không thể nào có họ là Baptist được. Như chúng tôi đã đề cập trong phần đầu của bài viết thì chữ baptist có nghĩa là người làm báp-tem hoặc chịu lễ báp-tem, và vì Giăng là người được Chúa chỉ định làm công tác nầy như là người dọn đường cho chức vụ của Ðức Chúa Jêsus nên mới được gọi là Giăng Báp-tít (tên kèm theo chức vụ).

Như vậy chữ Baptist không có nghĩa là họ của Giăng mà chỉ là từ ngữ mô tả về người thực hiện lễ nghi hoặc chịu lễ nghi dầm mình trong nước. Ðến đây thì chắc các anh chị em đã thắc mắc về tên của Hội thánh chúng tôi thì nay đã có thể hiểu được nguyên nhân vì sao chúng tôi có tên ấy. Nhưng vấn đề không dừng lại tại đó. Bây giờ thì chúng tôi trình bày đến lý do vì sao có các anh chị em hiểu lầm về tên gọi của Hội thánh Baptist, nhưng không phải là thuần về ngôn ngữ văn hóa mà là vì một nguyên nhân khác.

Theo như Kinh thánh đã cho biết từ thời kỳ của Hội thánh đầu tiên (tức là khi Hội thánh được thành lập bởi các sứ đồ sau khi được thăm viếng bởi Ðức-Thánh-Linh) thì có một số người xem sự tin kính, nhất là xem chức vụ hầu việc Chúa như là một món lợi:

(1Ti-mô-thê 6: 3-5) Ví thử có người dạy dỗ đạo khác, không theo lời có ích của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta và đạo lý theo sự tin kính, thì người đó là lên mình kiêu ngạo, không biết chi hết; nhưng có bịnh hay gạn hỏi, cãi lẫy, bởi đó sanh sự ghen ghét, tranh cạnh, gièm chê, nghi ngờ xấu xa, cùng những lời cãi lẽ hư không của kẻ có lòng hư xấu, thiếu mất lẽ thật, coi sự tin kính như là nguồn lợi vậy.

Chúng tôi đề cập đến chức vụ hầu việc Chúa vì đây là một thực tế, dầu đáng buồn nhưng không thể không nói ra. Hầu như tất cả các con cái Chúa đều nhận thấy những điểm đáng ưu tư trong Hội thánh nhưng ít khi chúng ta nói thẳng ra bên ngoài. Nhưng vì thắc mắc của các anh chị em có liên quan đến điều nầy và liên quan đến danh tiếng của Hội thánh Baptist nên chúng tôi xin phép để bày tỏ.

Khi Kinh thánh đề cập đến việc từ xưa đã có một số người xem sự tin kính như là một nguồn lợi, thì đó là muốn nói đến nguồn lợi thuộc thể và có liên quan đến những người có chức vụ trong Hội thánh. Vì đối với một tín hữu bình thường khi tham gia vào Hội thánh thì người ấy chỉ mong nhận được ơn phước thuộc linh mà thôi. Nhưng đối với Ðức Chúa Trời thì con người không thể nào lừa dối Ngài, cho nên người ta không thể giả mạo sự tin kính để cầu xin ơn phước từ nơi Chúa, hoặc nói một cách khác thì người ta không thể dùng sự tin kính bề ngoài để được lợi thuộc linh.

Nhưng nếu nói về món lợi thuộc thể thì người ta có thể giả mạo sự tin kính để được lợi về vật chất. Chúng ta chắc từng biết có những người dâng mình hầu việc Chúa để được lương bổng, để được tôn trọng, để được quyền uy trong Hội thánh. Ðó là những kẻ mà Kinh thánh gọi là có lòng hư xấu.

Chính vì một số người như vậy mà Hội thánh Baptist bị hiểu lầm. Chúng tôi xin kể ra một trường hợp để minh chứng cho điều mà chúng tôi đang trình bày: Trước năm 1975 thì Tin Lành tại Việt Nam dường như chỉ có một hệ phái duy nhất là Hội thánh Phước Âm Liên Hiệp (sau nầy đổi tên thành Hội thánh Tin Lành Việt Nam). Các hệ phái khác thuộc Tin Lành cũng đã có mặt nhưng rất ít, chẳng hạn như Hội thánh Baptist tại đường Công Lý (chúng tôi không nhớ sau nầy đã đổi tên thành đường gì). Vì vậy người Việt trong cả nước chỉ biết rằng Thiên Chúa giáo/Cơ-đốc-giáo chỉ có hai nhóm mà thôi, là Công giáo và Tin Lành. Sau năm 1975 thì đất nước đóng cửa một thời gian dài nên công cuộc truyền giáo của các hệ phái khác trong Tin Lành không thể đến được Việt Nam. Nhưng những năm tháng sau nầy khi tình hình có phần thay đổi vì số Việt kiều về nhiều, thì các hệ phái khác của Tin Lành cũng đến được Việt Nam để truyền giáo, trong đó có giáo hội Mennonite và Baptist. Ðiều ấy có phần mới lạ đối với người Việt, ngay cả đối với các Cơ-đốc-nhân trong nước, vì từ trước đến bấy giờ chỉ biết có một Hội thánh Tin Lành mà thôi. Thế nên có con cái Chúa thắc mắc và hỏi một mục sư về việc tại sao Hội thánh Baptis lại lấy tên của ông Giăng. Khi nghe câu hỏi đó thì vị mục sư biết ngay là người con cái Chúa không biết gì về lịch sữ của giáo hội, rồi lại vì không muốn con dân Chúa biết là Tin Lành có nhiều hệ phái và trở thành lý do làm cho tín hữu trong Hội thánh đi nhóm thử ở những nơi khác và có thể đi nhóm tại đó luôn, không còn là thành viên của Hội thánh nhà, nên vị mục sư ấy liền trả lời rằng đó là một nhóm tà giáo không thờ phượng Chúa mà đi thờ phượng Giăng Báp-tít, bởi cớ đó mới lấy tên của ông thay vì lấy tên là Hội thánh Tin Lành!

Ðáng buồn rằng đây không phải là một trường hợp điển hình duy nhất. Chúng ta là Cơ-đốc-nhân thì ai cũng biết sĩ số tín hữu trong Hội thánh là quan trọng, trước nhất là để chứng tỏ chức vụ của vị mục sư tại địa phương thành công (mặc dầu Kinh thánh trình bày khác hẳn với quan điểm đó), nhưng quan trọng hơn là để duy trì mức lương cần thiết cho người hầu việc Chúa. Vì nghĩ đến món lợi ấy nên có nhiều người tìm mọi cách, nếu không tăng cường được sĩ số tín hữu trong Hội thánh nhà, thì cố gắng làm sao để đừng mất một người nào hết. Ðây là nguyên nhân chủ yếu khiến cho nhiều Hội thánh Chúa ở khắp mọi nơi trên thế giới gặp phải tình trạng sai lạc khỏi đường lối chính đáng của Kinh thánh vì những người lãnh đạo sợ mất quyền lợi của họ. Có người thì dùng các phương cách của đời để thu hút người vào trong Hội thánh, có người thì không bao giờ đề cập đến yêu cầu phải được nên thánh để được cứu (Hê-bơ-rơ 12: 14) hầu Cơ-đốc-nhân cảm thấy dễ dàng để đi nhà thờ (vì biết đường hẹp ít người đi, còn đường rộng dễ đi thì sẽ có nhiều người bước vào đó), có người không nhắc nhở gì đến việc phải biết ý muốn của Chúa để được cứu (Ma-thi-ơ 7: 21, 1Giăng 2: 17) mà chỉ tuyên bố rằng hễ tin Chúa là được cứu, nhưng lại không giải thích thế nào là đức tin thật và thế nào là chỉ tin bằng hình thức và lễ nghi bên ngoài mà thôi. Còn trong trường hợp mà chúng tôi đang trình bày có liên quan đến tên gọi của Hội thánh Baptist thì họ cố tình và trực tiếp thông tin sai với con cái Chúa để giữ người hầu cá nhân được lợi. Quả thật hành xử như vậy không khác gì với cách của giáo hội Công giáo. Tín lý chính yếu của Công giáo là nếu không thuộc về nhà thờ Công giáo thì không ai được cứu rỗi. Chính vì lẽ ấy mà có người còn tuyên bố rằng chỉ có Hội thánh Tin Lành Việt Nam là chính thống mà thôi, còn các giáo phái khác thì đều sai lạc cả.

Mặc dầu là có một số các anh em ở trong chức vụ tuyên bố như vậy nhưng có một điểm đáng chú ý là khi Cơ-đốc-nhân ở hải ngoại (vốn là tín hữu thuộc Hội thánh Baptist) về thăm quê hương và đến nhóm lại tại các nhà thờ Tin Lành Việt Nam thì không có một mục sư nào khuyên họ đừng đi theo Baptist nữa. Nếu các anh em ấy thật tin rằng giáo hội Baptist là tà giáo và biết con cái Chúa nhóm lại tại các nhà thờ Baptist thì hẳn các anh em phải khuyên nhủ như thế. Trái lại họ không nói gì hết với các con cái Chúa tại hải ngoại nhưng lại đi thông tin với Cơ-đốc-nhân trong nước rằng giáo hội Baptist là sai lạc. Hiện nay đã có nhiều chi hội Baptist được thành lập tại Việt Nam, nhưng hình như Hội thánh Tin Lành Việt Nam chẳng bao giờ liên hệ đến, có lẽ vì muốn áp dụng chính sách đóng cửa để giữ người. Trong khi ấy thì lại cũng có những mục sư Tin Lành Việt Nam gởi con ra ngoại quốc du học và để con làm mục sư trong các nhà thờ Baptist hầu cho con được giáo hội Baptist bảo trợ để ở lại. Tại Việt Nam thì các người ấy không liên lạc với Baptist, nhưng khi xuất ngoại để thăm con thì sẳn sàng đến giảng tại các nhà thờ Baptist và thậm chí còn vận động gây quỹ nữa. Các anh em ấy làm việc mập mờ, lập lững như vậy thật là tai hại lắm, ấy là chúng tôi muốn nói đến hậu quả tai hại cho chính cá nhân những người đó khi không ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời và trong Hội thánh của Ngài.

Ao ước rằng lời giải đáp của chúng tôi giúp được ít nhiều cho thắc mắc của quý anh chị em về tên gọi của Hội thánh Baptist. Khi theo Chúa thì chúng ta cần phải thẳng thắng và chân thật, vì sau khi qua khỏi cuộc đời nầy thì chúng ta phải đối diện với Đức Chúa Trời và phải trả lời về mọi điều mà cá nhân mình đã nói và làm lúc còn sống trên mặt đất. Vì vậy mỗi Cơ-đốc-nhân chúng ta nên chuẩn bị chính mình cho ngày quan trọng đó, theo như lời của Chúa đã nhắc nhở trong A-mốt 4: 12 phần B rằng: Vì ta sẽ đãi ngươi dường ấy, nên ngươi khá sửa soạn mà gặp Đức Chúa Trời ngươi.

CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ TRƯNG DẪN:

MA-THI-Ơ 7: 21 – Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.

HÊ-BƠ-RƠ 12: 14 – Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.

1GIĂNG 2: 17 – Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *