CƠ-ÐỐC-NHÂN VÀ CHÍNH TRỊ
Chúng tôi được một con cái Chúa gởi đến một bài viết với tựa đề là ‘Tội Lỗi Của Tin Lành’ với nội dung là trách cứ Cơ-đốc-nhân về việc không tham gia chính trị, không biết thương dân nghèo cùng khốn, không biết quan tâm đến hiện trạng đất nước và kết luận rằng vì thế mà Tin Lành mất phước, đạo giáo không phát triển, số người tin theo rất ít. Nhưng chủ tâm của bài viết là ở chỗ người Tin Lành không chịu làm chính trị hoặc tham gia chính trị.
Chúng tôi không biết chính xác bài nầy đã được viết khi nào và đã có một tôi con Chúa nào trả lời cho tác giả chưa. Riêng về phần chúng tôi thì đây là lần đầu tiên đọc được bài viết ấy. Thể theo sự thắc mắc của người anh em chúng tôi trong Chúa đã nêu lên về vấn đề nầy, chúng tôi xin dùng giấy mực để giải bày hầu cho quý anh chị em tôi thoát được những băng khoăng để có thể theo Chúa với tấm lòng bình an trong tình hình chính trị rối rắm ngày hôm nay trên cả thế giới.
Trước khi sử dụng Kinh thánh để nói đến việc người Tin Lành có nên hay không nên tham gia chính trị thì chúng tôi bắt buộc phải đề cập trước hết đến nội dung của bài viết mà chúng tôi vừa đọc qua. Tác giả đã dùng chỉ có một vài câu Kinh thánh để bênh vực cho quan điểm cá nhân của mình mà lại cố tình lồng vào đó là quan điểm của Ðức Chúa Jêsus để rồi lên án người Tin Lành. Ðây là sự sai lầm mà chúng tôi vẫn thường nhắc đi nhắc lại đối với mọi người muốn sử dụng Kinh thánh và trưng dẫn lời của Chúa về bất cứ một vấn đề nào mà mình đang quan tâm hoặc muốn phát biểu. Nếu muốn biết rõ lời Kinh thánh phán về vấn đề đó như thế nào thì chúng ta phải xem xét toàn bộ quyển Kinh thánh từ đầu đến cuối, có nghĩa là từ Sáng thế ký đến Khải huyền, để xem còn có câu gốc nào đề cập đến vấn đề đó hay không, và là bao nhiêu câu, cùng với những câu gốc liên hệ để phụ nghĩa và làm cho sáng tỏ thêm, chớ không phải chỉ chụp bắt một vài câu nào đó thấy thuận hiệp với ý tưởng của mình rồi tuyên bố rằng đó là ý Chúa để cố thuyết phục người khác nghe theo điều mà tư tưởng mình tạo tác ra. Tác giả của bài viết về Tin Lành nầy cũng phạm cùng một sai lầm như vậy. Nếu các anh em chưa quen với việc nghiên cứu Kinh thánh thì chúng tôi xin được dùng từ ngữ thông thường để mô tả sai lầm nầy, như người dân gian kể chuyện về những người mù xem voi, thì hẳn các anh em ấy có thể hiểu được.
Ðiều thứ hai mà chúng tôi muốn nói đến ở đây là tâm lý và cách hành văn của người viết bài ấy. Các anh em cần phải biết tỏ tường về tận sâu vấn đề trước đã rồi hãy tuyên bố, đàng nầy tác giả chỉ biết rằng người Tin Lành không tham gia chính trị, nhưng chưa biết chính xác tại sao, vì lý do nào, thì đã vội vã lên án cáo buột bằng cách trưng dẫn một vài câu Kinh thánh mà tác giả cho là mô tả được toàn bộ vấn đề. Tính cách hành xử như vậy là vội vã, hấp tấp lắm, nếu chưa nói là quá đáng (chúng tôi không biết dùng ngôn từ nào xứng hiệp để thêm vào chỗ nầy), ấy quả thật là không xứng cho người làm chính trị đâu. Làm chính trị là vấn đề liên quan đến sinh mạng con người, không phải là của một cá nhân, của một gia đình, một tập thể, mà là cả một quốc gia, một dân tộc, đôi khi còn lớn hơn thế nữa, vì vậy tính hấp tấp là thói xấu hàng đầu cần phải bỏ. Nhưng hình như những người làm chính trị ngày nay không nhớ đến điều nầy nên tình trạng rối rắm xãy ra khắp mọi nơi.
Kế đến nữa đó là vấn đề cáo buột việc không tham gia chính trị để cứu dân cứu nước như là một tội ác. Ðây cũng là tính cách quá đáng của tư tưởng chủ quan cá nhân. Chính điểm nầy tạo nên sự bất đoàn kết trong vòng dân Việt chúng ta. Ðó là chúng tôi chưa muốn nói đến việc mới khởi đầu đã thấy có mầm mống thất bại. Chúng tôi xin đưa ra một vài thí dụ trong gia đình để minh chứng cho điều chúng tôi đang nói. Chúng tôi dùng thí dụ trong gia đình vì ai nấy đều biết rằng gia đình là một xã hội nhỏ, gia đình là nền tảng căn bản của xã hội, nên việc dùng chuyện gia đình để hiểu về xã hội không phải là điều mới lạ trong cách bày tỏ tư tưởng. Giả sử có một người mẹ vào nấu cơm trong bếp và tuyên bố với cả nhà rằng ‘Bây giờ là giờ nấu ăn, nếu người nào không vào trong bếp để phụ thì người đó là kẻ không biết yêu thương cái gia đình nầy!’ Các anh em nghĩ xem câu nói đó có lọt lỗ tai không? Nếu tất cả mọi người đều nấu bếp thì ai đi giặt đồ, ai tưới cây, ai làm những công việc khác? Hoặc giả sử có người cha đến lúc phải mở TV để xem trận túc cầu, tuyên bố với các con rằng ‘Nếu đứa nào không ngồi đây xem đá banh với cha thì đứa đó là kẻ bất hiếu!’ Các anh em nghĩ xem câu nói như vậy có thích đáng hay không? Chẳng lẽ cả thế gian nầy không còn có một môn giải trí nào khác? Chẳng lẽ sự hiếu thảo của các con chỉ được nhìn qua lăng kính của việc xem đá banh với cha? Bây giờ đem các thí dụ ấy vào bình diện lớn hơn của xã hội thì chúng ta sẽ thấy sự vô lý như thế nào. Vì nếu tác giả cho rằng người Tin Lành không làm chính trị thì đó là tội ác, thì luận điệu đó không khác gì sự tuyên truyền của chính quyền Cộng sản là ‘hễ yêu nước thì phải yêu chủ nghĩa xã hội’. Vậy chẳng lẽ những người yêu chủ nghĩa tự do đều là kẻ bán nước hết thảy? Chúng tôi tin rằng chính tác giả cũng không đồng ý với luận điệu độc tài mù quáng như vậy của Cộng sản, nhưng trong bài viết và cách lập luận của tác giả thì đi theo y con đường ấy. Ðó mới là điều đáng buồn. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng với bài viết của tác giả thì chuyện chưa thành công đã lộ ý độc tài, ngày còn ngồi tại nhà đã lộ ý cực đoan, thế thì làm sao kết hiệp được mọi người với nhau trong cùng một chí hướng? Người làm chính trị là người phải khôn khéo, uyển chuyển để biết thuyết phục những người chưa có cùng một quan điểm với mình, chớ không phải là người vội vàng lên án người bất đồng quan điểm để rồi rốt lại chỉ thấy quanh mình bóng tịch liêu (chúng tôi thêm vài chữ văn hoa ở đây để quý bạn đọc đỡ căng thẳng)
Ðiều thứ ba mà chúng tôi muốn viết ở đây là cách sử dụng sai Kinh thánh của tác giả khi trưng dẫn các câu gốc để cho thấy rằng người Tin Lành phải tham gia chính trị, phải dấn thân cứu đời. Cơ-đốc-nhân chắc chắn là những người đang sống giữa đời và việc con cái Chúa cứu giúp người nghèo, thương yêu người khốn khó thì có rất nhiều bằng cớ, nhưng đó là việc mà chúng tôi tạm hoãn đề cập cho đến khi thuận tiện, còn việc dùng Kinh thánh sai để minh chứng rằng người Tin Lành phải làm chính trị là điều mà chúng tôi muốn cùng quý anh chị em suy nghĩ đến. Những việc khác mà tác giả có đề cập đến trong bài viết về việc xây nhà thờ thế nầy thế kia thì là vấn đề của địa phương, chúng ta có thể để thong thả rồi từ từ xem xét đến cũng chưa muộn. Dầu vậy chắc có lẽ chúng tôi phải trưng dẫn Kinh thánh để trình bày việc người Tin Lành có nên hay không nên tham gia chính trị trước đã, vì đây là thắc mắc mà nhiều Cơ-đốc-nhân muốn biết.
Khi nói về vấn đề tham gia chính trị thì chúng ta ai nấy đều có quan điểm riêng về vấn đề nầy. Theo nhận định của chúng tôi thì từ trước đến nay người Tin Lành không tham gia chính trị vì các lý do sau:
– Thứ nhất, ấy là vì niềm tin của người Tin Lành đặt nơi một Ðức Chúa Trời toàn năng (Giê-rê-mi 32: 27). Nếu các anh em chưa hiểu về niềm tin của người Tin Lành hoặc chưa chấp nhận được niềm tin ấy thì cũng khoan vội vã để lên án là người Tin Lành thiếu lòng yêu nước thương dân. Tình yêu của chúng tôi đối với nhân loại và đối với quê hương Việt Nam được bày tỏ cách khác hơn các anh em vì cớ đức tin của chúng tôi (chúng tôi tin rằng sẽ có dịp trình bày với các anh em về tình yêu thương theo mẫu mực của Kinh thánh là thế nào) (Trong vòng Cơ-đốc-nhân chúng tôi được hân hạnh quen biết những anh chị em yêu nước mà chúng tôi dám dạn dĩ để tuyên bố rằng chưa từng biết một người nào được như họ, nhưng tâm tình của các anh chị em ấy thì đọc đến những phần sau sẽ rõ).
Trở lại với vấn đề niềm tin nơi Ðức Chúa Trời thì theo như lời Kinh thánh và theo như tấm lòng chúng tôi tin quyết thì Ngài là Ðấng quyết định mọi điều xãy ra trong thế giới nầy (Cô-lô-se 1: 16). Ngài là Ðấng thay đổi các chủ quyền trên trần gian (Ða-ni-ên 2: 21). Chúa có chương trình cho mỗi dân tộc (Gióp 12: 23). Vì vậy việc chúng tôi tìm kiếm ý muốn Chúa và cầu xin Ngài là cách tốt nhất (Giê-rê-mi 33: 3) để Chúa thay đổi các sự kiện, các hoàn cảnh, ngay cả các cường quốc cũng phải sụp đổ bởi lời phán của Ngài (Thi thiên 33: 10). Khi nói đến điều nầy thì có lẽ sẽ có nhiều người chất vấn rằng tại sao Chúa lại để cho Miền Nam thất thủ vào năm 1975, đến nỗi sau nầy có nhiều người phải chết trong khổ đau, trong nước mắt, và ngày nay vẫn còn nhiều người bị đọa đày trong sầu muộn. (Sau ngày Sài Gòn thất thủ gia đình chúng tôi đã bị tịch thu tài sản và cha chúng tôi phải chết trong cùng một nỗi sầu muộn ấy). Nhưng nếu chúng ta muốn đặt câu hỏi trên với Chúa thì trước hết phải trả lời câu hỏi nầy: Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay đã làm gì cho Chúa? Ngài là Ðấng Tạo Hóa nhưng người Việt chúng ta đã đối xử với Ngài thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục sau khi đưa ra thí dụ dưới đây để các anh em có thể hiểu thấu vấn đề.
Thử lấy Hoa-kỳ để làm thí dụ thì chúng ta sẽ thấy. Ngay từ những ngày đầu tiên, khi những người Tin Lành châu Âu đặt chân tới đất nầy họ đã dựng nơi thờ phượng Ngài. Hoa-kỳ là nước đầu tiên trên thế giới có ngày Thanksgiving. Ấy đó là lý do mà tại sao một nước non trẻ chỉ với 400 năm lập quốc lại trở nên hùng cường hơn là Việt Nam chúng ta với hơn 4000 năm lịch sữ. Ngày hôm nay, khi đức tin của người Tin Lành Hoa-kỳ giãm sút thì chính mắt chúng ta chứng kiến sự suy yếu của quốc gia nầy trên trường quốc tế. Chúng ta chưa học được bài học của người Hoa-kỳ mà cứ cố gắng theo đường lối cũ của 4000 năm qua thì các anh em nghĩ là sẽ đạt được kết quả khác hơn sao?
Ðối với chúng ta thì Ðức Chúa Trời là Ðấng thế nào? Ða số người Việt Nam không thèm quan tâm đến. Mặc dầu hơn 4000 năm trôi qua dân tộc Việt Nam chưa một ngày hưởng thái bình, nhưng có bao nhiêu người Việt Nam tìm hiểu ý muốn của Ðấng Tạo Hóa để ít nữa một lần làm cho Chúa được hài lòng hầu thử cho biết quyền năng Ngài sẽ thực thi thế nào trên quê hương chúng ta? Ai trong chúng ta cũng nhận biết người Do-thái là một dân tộc đặc biệt, mặc dầu lưu lạc gần 2000 năm khắp nơi trên thế giới nhưng vẫn trở về được quê hương họ. Có dân tộc nào thực hiện được được điều bất khả năng đó chăng? Tại sao người Do-thái làm được? Vì họ là dân được Ðức Chúa Trời chọn lựa (1Các Vua 6: 13). Tác giả bài viết trách cứ người Tin Lành cũng biết trưng dẫn câu gốc nầy trong Thi thiên 144: 15, nhưng thử hỏi dân tộc Việt Nam đã thật sự chọn Ngài làm Chúa của mình chưa hầu được Ngài ban phước như dân tộc Do-thái? Ngày nay họ về lập quốc giữa một biển người Ả-rập và Hồi giáo hung hăng, nhưng đất nước nào trong khu vực ấy phát triển nhất trong khi lại không có nguồn khoáng sản nào đáng kể? Ấy là nước Do-thái. Các nước Ả-rập, dầu đông, cũng không thắng hơn được họ trong cuộc chiến độc lập 1947, cuộc chiến Sáu Ngày 1967, cuộc chiến Yom Kippur và đỉnh cao Golan năm 1973. Ðó là những thực tế lịch sữ, người Việt Nam nào làm chính trị cũng biết, nhưng Ðức Chúa Trời của người Do-thái thì dân tộc Việt Nam lại làm ngơ. Chúng ta vượt biển tìm tự do được, tại sao không thể vượt biển tâm linh để tìm đến Ðức Chúa Trời mà thay đổi giòng lịch sữ? (Ê-xê-chi-ên 39: 21) (Ê-sai 48: 13)
Nhiều người cho rằng vì tất cả chúng ta là người Việt Nam nên phải giữ truyền thống của người Việt Nam, nhưng nói như vậy có nghĩa là quên nguồn gốc con người của dân Việt. Mặc dầu Hùng Vương là tổ tông Việt Nam nhưng những vị ấy đâu phải tự nhiên mà có. Tổ phụ của các vua Hùng là người gốc Việt tại Trung Hoa, cùng một xứ sở với Việt Vương Câu Tiển, Phạm Lãi, Tây Thi. Nhưng những người ấy cũng lại có tổ phụ xa xưa nữa và nếu cứ truy tìm cho đến nguồn cội thì là chính Ðức Chúa Trời. Ngài là Ðấng Tạo Hóa, Ðấng đã tạo dựng con người. Nhưng vì người Việt cứ khăng khăng chỉ biết giữ lấy truyền thống từ thời Hùng Vương trở lại mà thôi, nên quên mất cội nguồn ban đầu của dân Việt chúng ta xuất phát từ Ðức Chúa Trời. Chính vì chỗ người Việt không chịu trở lại với Ðấng Tạo Hóa mà suốt 4000 năm rồi quê hương yêu dấu của chúng ta chưa thấy ngày thanh bình. Người Việt Nam chúng ta ai cũng biết tội lớn nhất là tội bất hiếu với tổ tiên mà hơn 4000 năm nay người dân Việt bất hiếu với Ðức Chúa Trời mà chẳng hay. Ðã phạm tội bất hiếu với Ðức Chúa Trời mà còn chất vấn Ngài về vấn đề ơn phước thì là làm cho lầm lỗi đã lớn càng lớn thêm, giống như một người con đã bất hiếu với cha mẹ mà cứ đòi hỏi được cung cấp tiền bạc để ăn xài phóng túng. Nếu hơn 80 triệu người Việt Nam chúng ta đều trở lại với nguồn cội của chính mình là Ðức Chúa Trời thì chúng ta nghĩ đất nước chúng ta sẽ thế nào? Chính phủ nào sẽ cầm quyền ở tại Việt Nam nếu cả dân tộc đều biết kính sợ Ðấng Tạo Hóa?
Nói như vậy thì các anh em mới biết tại sao đang khi các anh em làm chính trị thì người Tin Lành quỳ gối mỗi ngày trước mặt Ðức Chúa Trời. Nhưng nếu các anh em không tin điều mà chúng tôi đang làm thì tại sao chúng tôi lại phải tin nơi hoạt động và khẩu hiệu mà các anh em đang có?
Chúng tôi không biết tác giả viết bài trách cứ người Tin Lành có tin Kinh thánh hay không. Vì nếu không tin Kinh thánh mà lại dẫn chứng Kinh thánh để chê bai người Tin Lành là điều mâu thuẫn, thậm chí là gian dối nữa. Nhưng nếu tin Kinh thánh thì hẳn tác giả phải biết về câu chuyện của vua Ê-xê-chia khi bị vua San-chê-ríp gởi thư hăm dọa, mà đã có chép trong 2Sử ký 19. Vua Ê-xê-chia đã mang thư ấy vào đền của Ðức Chúa Trời, mở thư ra, khóc trước mặt Chúa để xin giải cứu. Ðêm hôm ấy Ðức Giê-hô-va sai một thiên sứ của Ngài vào trại quân A-sy-ri và giết hơn 185,000 người để giải cứu thành Giê-ru-sa-lem. Nếu tác giả là người thật lòng tin nơi Kinh thánh và hiểu biết Kinh thánh thì đó là điều mà tác giả nên làm chớ không phải đi trách cứ người Tin Lành là không chịu tham gia chính trị. Các anh em có thể trở nên những Ê-xê-chia của Việt Nam ngày hôm nay. Nếu Ðức Chúa Trời gởi vài thiên sứ của Ngài đến thăm Việt Nam vì giọt nước mắt chân thành của những Ê-xê-chia nói tiếng Việt thì điều gì sẽ xãy ra? Nhưng nếu không biết, không tin Kinh thánh thì thử hỏi những hành động xuống đường biểu tình, hò hét, chống đối thì làm được gì? Ngày trước Miền Nam có quân đội, có những chiến binh can trường, anh dũng, có viện trợ của Tây phương, nhưng chúng ta thất bại là tại điểm nào? Các chính trị gia miền Nam ngày ấy thì các anh em biết rành hơn chúng tôi. Nhưng nếu không thay đổi tấm lòng, không thay đổi suy nghĩ, không thay đổi phương pháp hành động thì các anh em tưởng rằng lần sau nầy sẽ có kết quả khác hơn lần trước? Ấy đó là lý do thứ hai mà chúng tôi muốn trình bày tiếp theo sau đây.
– Lý do thứ hai mà người Tin Lành không tham gia chính trị là vì chúng tôi muốn tìm một người lãnh đạo tốt. Không phải là người lãnh đạo tốt hơn người nầy hoặc người kia, mà là người tốt nhất (Giăng 10: 11). Thử hỏi từ xưa đến nay người lãnh đạo nào trong lịch sữ của thế gian được gọi là người tốt nhất? Chính người Việt chúng ta ai nấy đều nhận biết điều đó qua câu ‘Nhân vô thập toàn’. Nhưng Kinh thánh thì cho biết là khi Ðức Chúa Jêsus trở lại và cai trị thì thế giới nầy sẽ hưởng được 1000 năm bình an (Khải huyền 20: 4). Từ ngày có con người trên mặt đất chu kỳ ấy chưa bao giờ đạt được với những người lãnh đạo của trần gian. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi sống trong mộng ảo. Thử lấy Hoa-kỳ làm thí dụ một lần nữa để làm sáng tỏ điểm nầy. Trước đây mỗi lần một chính khách đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thì đều đặt tay lên bản Kinh thánh để tuyên thệ. Mỗi một kỳ họp của Quốc hội thì các chính khách đều bắt đầu bằng lời cầu nguyện. Mỗi năm cả quốc gia đều có một ngày cầu nguyện, một ngày khác dành riêng ra để tạ ơn Ðức Chúa Trời. Ðó là bí quyết giúp cho đất nước nầy trở nên hùng cường. Mặc dầu các chính khách có thể tuyên thệ mà tấm lòng hoàn toàn dửng dưng với những lời tuyên thệ ấy, mặc dầu khi cầu nguyện có những chính khách ngủ gục hoặc mê mãi làm chuyện khác, nhưng ít nữa từ ngày lập quốc đất nước nầy cũng lấy mẫu mực trong lời dạy của Ðức Chúa Jêsus, Ðấng Lãnh Ðạo tốt nhất làm căn bản cho các hoạt động của chính phủ. Các anh em làm chính trị ngày nay có muốn học theo gương của Hoa-kỳ hay không? Các anh em đang làm chính trị có đặt điều nầy làm căn bản ngày các anh em thành công hay không? Hay là chỉ hoạt động theo kiểu gây tiếng vang nơi nầy một chút, nơi kia một chút, để xem như là có hoạt động chính trị, mà không hề có một cương lĩnh, một dự thảo, một kế hoạch, một mục tiêu, một chính sách xứng đáng để quản bá, để khích lệ, để thuyết phục, để nài xin mọi người dân Việt góp phần vào hầu Việt Nam trong tương lai sẽ trở thành một cường quốc như Hoa-kỳ trước đây (không phải Hoa-kỳ ngày hôm nay)? Làm chính trị không phải là chuyện đùa với kế hoạch mười năm hay hai mươi năm, mà là liên quan đến nhiều thế hệ, là trăm năm sau, mà các anh em nói như chuyện hỏa tốc vậy. Trong bất cứ tổ chức nào, đoàn thể nào, ngay tại trong gia đình cũng vậy, đều phải có một người làm đầu, một người lãnh đạo. Bây giờ trong các anh em, nhóm thì nhỏ, ít người, nhưng đã có sự thống nhất để đề cử một người xứng đáng về tâm tình, tánh hạnh, lời ăn tiếng nói, đức độ, sự hiểu biết hầu có thể giới thiệu với mọi người chưa? Nếu chưa thì phải làm ngay đi, vì nếu hiện tại ít người mà còn chưa có sự thống nhất, chưa có sự hiệp một, lại hô hào cho đông người tham gia vào thì tình hình còn tệ hại hơn nhiều lắm.
Bây giờ thử lấy nước Nam Triều Tiên làm thí dụ. Ðất nước nầy ngày trước cũng gặp phải cuộc chiến tương tàn như Việt Nam chúng ta, và tới ngày hôm nay vẫn còn chia đôi, nhưng người Nam Triều Tiên trong những thập niên gần đây đã tin Chúa với một mực độ đáng ngạc nhiên. Số lượng tín hữu Cơ-đốc tăng cao trong cả nước, và đồng thời với điều ấy chúng ta thấy được rõ ràng sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Nam Hàn. Ðây là điều mà chúng tôi muốn nhắc đến, không biết các anh em khác có thấy, có hiểu hay không. Nếu tác giả của bài viết chê trách người Tin Lành biết dùng Thi thiên 144: 15 thì chắc cũng phải hiểu được phương pháp tốt nhất để một quốc gia được thanh bình, tự do và sung túc là như thế nào. Vì thế mà chúng tôi đã đề cập đến từ ban đầu là khi các anh em dùng Kinh thánh thì phải biết cách sử dụng Kinh thánh, chớ không nên dùng lời của Chúa để bênh vực quan điểm riêng của mình. Không phải là làm chính trị để đất nước được có Ðức Chúa Trời, nhưng phải có Ðức Chúa Trời trước rồi nền chính trị, kinh tế, giáo dục, xã hội và mọi điều ao ước khác nữa sẽ đến kế tiếp sau.
NHỮNG CÂU KINH THÁNH ÐÃ TRƯNG DẪN
(Giê-rê-mi 32: 27) Nầy, ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của mọi xác thịt; có sự gì khó quá cho ta chăng?
(Cô-lô-se 1: 16) Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả.
(Ða-ni-ên 2: 21) Chính Ngài thay đổi thì giờ và mùa, bỏ và lập các vua; ban sự khôn ngoan cho kẻ khôn ngoan, và sự thông biết cho kẻ tỏ sáng.
(Gióp 12: 23) Ngài khiến các dân tộc hưng thạnh, rồi lại phá diệt đi; Mở rộng giới hạn cho các nước, đoạn thâu nó lại.
(Giê-rê-mi 33: 3) Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết.
(Thi thiên 33: 10) Đức Giê-hô-va làm bại mưu các nước, khiến những tư tưởng các dân tộc ra hư không.
(1Các Vua 6: 13) Ta sẽ ngự giữa dân Y-sơ-ra-ên, chẳng hề bỏ Y-sơ-ra-ên, là dân ta.
(Thi thiên 144: 15) Phước cho dân nào được quang cảnh như vậy! Phước cho dân nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình!
(Ê-xê-chi-ên 39: 21) Ta sẽ tỏ sự vinh hiển ta ra trong các nước; hết thảy các dân tộc sẽ thấy sự đoán xét ta làm ra, và tay ta đặt trên chúng nó.
(Ê-sai 48: 13) Tay ta đã lập nền đất, tay hữu ta đã giương các từng trời; ta gọi đến, trời đất đều đứng lên.
(Giăng 10: 11) Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình.
(Khải huyền 20: 4) Tôi lại thấy những ngai, và những người ngồi trên ngai được quyền xét đoán. Kế đó, tôi thấy linh hồn những kẻ đã phải chết chém vì sự làm chứng cho Đức Chúa Jêsus và vì lời Đức Chúa Trời, linh hồn những kẻ chẳng thờ lạy con thú cùng hình tượng nó, chẳng nhận dấu hiệu nó, hoặc trên trán hoặc trên tay. Các người ấy được sống và trị vì với Đấng Christ trong một ngàn năm.
(Ma-thi-ơ 6: 33) Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.