ÐÓN CHÚA VÀO ÐỜI
Sau khi Ðức Chúa Jêsus đã giáng sinh vào trong trần gian thì có một số người nhận được ân điển đặc biệt là nhìn thấy Chúa trong hình ảnh thuộc thể, nhận biết Ngài là Ðấng Cứu Thế và bởi lẽ đó mà được sự vui mừng lớn trong đời sống của họ. Khi đã đọc qua chuyện tích giáng sinh thì chúng ta biết được những người ấy, như là các mục đồng, các bác sĩ ở phương Ðông. Nhưng trong giới hạn của bài viết nầy thì chúng tôi chỉ xin đề cập đến bốn người tin kính là thầy tế lễ Xa-cha-ri và vợ của ông là bà Ê-lisa-bét, cụ Si-mê-ôn và bà tiên tri An-ne, là những người được ghi lại trong hai đoạn đầu của sách tin lành Lu-ca.
Bốn người nầy nhận được ân điển đặc biệt như vừa nêu ra ở trên là vì họ có cùng những đặc điểm giống nhau. Kinh thánh cho biết họ đều là những người công bình, kính sợ Chúa và có lòng trông đợi sự giải cứu của Ðức Chúa Trời cho tuyển dân của Ngài.
Ðời sống của bốn người tin kính nầy rất đáng cho chúng ta suy gẫm và học theo hầu nhờ đó chúng ta có thể dọn lòng để đón Chúa ngự vào đời sống của chính mình. Không phải là tình cờ mà Kinh thánh có ghi lại những điều liên quan đến bốn người tin kính nầy. Như chúng ta đã biết rằng cả Kinh thánh được Ðức Chúa Trời soi dẫn để Cơ-đốc-nhân nhờ đó mà học biết những điều cần phải thực hiện để sống đẹp lòng Chúa, để được cứu rỗi và để được phước:
(2Ti-mô-thê 3: 16-17) Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.
Như vậy bốn người tin kính trong hai đoạn đầu của sách Lu-ca được đề cập đến cũng nằm trong ý định của Ðức Chúa Trời muốn dạy dỗ chúng ta về phương diện thuộc linh.
Bây giờ chúng ta cùng xem xét đến các yếu tố mà nhờ đó họ được ân điển liên quan đến sự giáng sinh của Ðức Chúa Jêsus. Yếu thố thứ nhất là sự công bình. Ðể được phước của Chúa trong mùa Giáng Sinh như những người ấy đã từng được thì đây là điều chúng ta cần phải có. Nhưng nói như vậy thì có lẽ chúng ta sẽ thấy dư thừa, vì khi đã được kể là Cơ-đốc-nhân thì tất cả chúng ta đều được xem là công bình nhờ sự công nghĩa nơi Ðức Chúa Jêsus. Quả thật vậy, ngày mà mỗi chúng ta quỳ gối xuống xưng tội mình và tin nhận Ðức Chúa Jêsus Christ là Cứu Chúa thì ngay từ lúc ấy đã được kể là công bình, nhưng lời của Chúa có nhấn mạnh đến việc Cơ-đốc-nhân phải giữ vững lời Kinh thánh đã nghe và bền chí trong đức tin cho đến cuối, bằng không thì sự tin nhận Chúa của chúng ta trở thành vô ích:
(1Cô-rinh-tô 15: 1-2) Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin lành mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy, cùng đứng vững vàng trong đạo ấy, và nhờ đạo ấy, anh em được cứu rỗi, miễn là anh em giữ lấy y như tôi đã giảng cho; bằng không, thì anh em dầu có tin cũng vô ích.
(Cô-lô-se 1: 22-23) Nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được; miễn là anh em tin Chúa cách vững vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi đạo Tin lành mà anh em đã nghe, là đạo được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời, và chính tôi, Phao-lô, là kẻ giúp việc của đạo ấy.
Trong cả hai câu nầy Kinh thánh đều dùng chữ ‘miễn là’ thì điều đó có nghĩa là nếu một người đã tin Chúa rồi, đã được kể là công bình qua sự tha thứ của Chúa, đã trở nên một Cơ-đốc-nhân rồi, mà sau đó không còn giữ vững đức tin nữa, quên bỏ lời Kinh thánh, nao núng trước thử thách, không còn trông cậy nơi quyền phép của Chúa nữa, thì sự tin như vậy chẳng ích chi cho người ấy, vì bị xem như đã vuột mất sự công bình và bởi lẽ đó không nhận được ân điển được nhìn thấy Chúa giáng sinh vào trong đời sống mình.
Chúng ta cần phải nhận biết lẽ thật nầy, ấy là sự công bình được ban cho khi tin nhận Chúa không phải là sự việc còn mãi không thay đổi. Theo như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong Cựu ước thì một người từng được kể là công bình sẽ không được xem là công bình nữa trong ngày người đó phạm tội:
(Ê-xê-chi-ên 33: 13) Dầu mà ta có nói với người công bình rằng nó chắc sẽ sống, nếu nó cậy sự công bình mình mà phạm tội, thì sẽ không nhớ đến một việc công bình nào của nó nữa; nhưng nó sẽ chết trong sự gian ác mình đã phạm.
Còn trong thời kỳ ân điển của Tân ước, khi đức tin của một người nơi Ðức Chúa Jêsus Christ giúp cho người ấy được kể là công bình trước mặt Ðức Chúa Trời (Rô-ma 3: 22), thì nếu người ấy không tiếp tục giữ lấy đức tin đã có và cậy ơn Chúa làm cho đức tin mình phát triển lên trong Ngài, thì sự công bình cũng mai một đi với sự đánh mất đức tin ban đầu, như đã được ghi lại trong thư tín của Phi-e-rơ:
(2Phi-e-rơ 2: 21) Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình, thế thì thà rằng không biết là hơn.
Ấy đó cũng là lý do tại sao Phao-lô đã viết trong thư 1Cô-rinh-tô (như đã trưng dẫn ở trên) rằng nếu không giữ lấy đức tin ban đầu mà mình đã nghe thì sự tin đạo cũng chỉ là vô ích mà thôi. Vì nhờ có đức tin mới được kể là công bình, khi đức tin sa sút hoặc mất rồi thì làm sao còn được kể là công bình nữa? Lẽ thật nầy cũng được lập lại trong thư tín Hê-bơ-rơ:
(Hê-bơ-rơ 3: 14) Vì chúng ta đã được dự phần với Đấng Christ, miễn là giữ lòng tin ban đầu của chúng ta cho vững bền đến cuối cùng.
Chữ dự phần có nghĩa là Cơ-đốc-nhân được kể là công bình trong Ðấng Christ khi biết giữ lấy đức tin ban đầu suốt những năm tháng dài trên đất nầy cho đến khi được về nghỉ ngơi trong Chúa. Nhưng theo thực tế thì chúng ta thấy có rất nhiều người sau khi đã cầu nguyện tiếp nhận Chúa rồi thì không còn giữ lấy đức tin ban đầu nữa mà lơ là với đời thuộc linh, tẻ tách khỏi đường lối của Kinh thánh và rốt lại chỉ còn mang danh là Cơ-đốc-nhân mà thực chất đời sống thì không khác gì như người chưa biết Chúa với những thói quen, tham muốn của đời sống cũ vẫn còn tồn tại trong chính họ.
Vì vậy để được kinh nghiệm sự giáng sinh của Chúa trong đời sống mình một cách rõ ràng hầu cho có thể nhận biết Chúa và hưởng được sự vui mừng thật bất kể hoàn cảnh bên ngoài thế nào thì Cơ-đốc-nhân phải tìm lại cho bằng được sự công bình đã mất bằng việc trở lại với Chúa, ăn năn những yếu đuối, lầm lỗi, sai phạm bấy lâu nay và hứa nguyện trung tín bền lòng bước trên con đường tin kính theo gương mẫu của Kinh thánh cho đến cuối cùng. Chỉ có như thế Cơ-đốc-nhân chúng ta mới xứng đáng để đón Chúa vào đời trong mùa Giáng Sinh năm nay.
Yếu tố thứ hai là biết trông đợi sự giải cứu của Chúa. Cả bốn người tin kính trong hai đoạn đầu của sách Lu-ca đều có chung tâm tình nầy. Theo gương của các người ấy Cơ-đốc-nhân chúng ta cũng phải biết trông đợi sự cứu rỗi của Chúa thì mới kinh nghiệm được sự vui mừng thật mà bấy lâu nay vẫn còn trống vắng trong đời sống mình.
Khi tin nhận Chúa thì chúng ta chỉ mới nhận được lời hứa về sự cứu rỗi mà thôi chớ chưa thật sự nhận được điều ấy khi còn sống trong xác thịt. Chính Phao-lô đã cho biết điều nầy khi ông viết trong thư tín gởi cho Ti-mô-thê:
(2Ti-mô-thê 4: 7-8) Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài.
Theo như câu Kinh thánh vừa trưng dẫn thì Phao-lô khi còn sống trong xác thịt vẫn chưa thật sự nhận được mão triều thiên của sự sống, ông chỉ mới nhận được lời hứa về sự cứu rỗi mà thôi. Sau khi ông qua đời rồi thì mới chính thức nhận lấy điều ấy. Ðây là lẽ thật mà chính Ðức Chúa Jêsus đã phán khi truyền cho sứ đồ Giăng những lời tiên tri trong sách Khải huyền:
(Khải huyền 2: 10) Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ. Nầy, ma quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử thách; các ngươi sẽ bị hoạn nạn trong mười ngày. Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều thiên của sự sống.
Rõ ràng là Ðức Chúa Jêsus hứa sẽ ban cho mão triều thiên của sự sống khi Cơ-đốc-nhân qua đời. Còn lúc sống động trong thế gian nầy thì Cơ-đốc-nhân chỉ nhận lấy lời hứa mà thôi. Nguyên nhân là vì một người có thể đánh mất sự công bình khi đức tin ban đầu bị sa sút như điều mà chúng tôi đã trình bày ở trên, hoặc trong trường hợp một người đã tin Chúa lại phạm tội và chối bỏ Chúa trong cuộc sống của mình. Vì vậy, mặc dầu Cơ-đốc-nhân đã tin Chúa, theo Chúa nhiều năm nhưng phải đợi đến khi qua đời rồi, khi sự bền lòng trung tín theo Chúa của họ được giữ vững cho đến hơi thở cuối cùng, thì người ấy mới nhận được sự sống đời đời. Có rất nhiều tôi con Chúa lầm lẫn về tín lý nầy khi cho rằng cứ hễ tin Chúa là được cứu và nhận được sự sống đời đời ngay khi còn trong xác thịt! Nếu Phao-lô là sứ đồ tận tụy hơn hết của Chúa trong thời mà ông đang sống (2Cô-rinh-tô 11: 23), là người từng làm nhiều phép lạ (Công vụ 19: 11-12), là người từng được Chúa cho nhìn thấy tầng trời thứ ba (2Cô-rinh-tô 12: 2), mà còn phải đợi đến lúc qua đời rồi mới nhận được sự sống đời đời thì chúng ta là ai mà nghĩ rằng mình nhận được ân điển đó ngay trong đời sống nầy? Sự lầm lẫn về tín lý quan trọng nầy rất tai hại cho đức tin của Cơ-đốc-nhân mà chúng tôi sẽ có dịp trình bày trong một cơ hội khác.
Trở lại với yếu tố thứ hai theo gương của bốn người tin kính trong sách tin lành Lu-ca thì chúng ta thấy rằng nếu Cơ-đốc-nhân đã được kể là công bình trong Ðức Chúa Jêsus Christ rồi thì không những phải giữ lấy đức tin ban đầu bền bĩ luôn luôn mà còn phải biết trông đợi sự giải cứu của Chúa khỏi thế gian tăm tối nầy. Nói cách khác là Cơ-đốc-nhân của chúng ta phải biết trông đợi ngày Chúa tái lâm để nhờ đó hưởng được sự vui mừng đời đời nơi vinh hiển.
Kinh thánh cho biết là đến các sinh vật khác trong trong trần gian nầy còn mong đợi sự trở lại của Chúa, huống chi là Cơ-đốc-nhân chúng ta:
(Rô-ma 8: 21) Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát, đặng dự phần trong sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời.
(Rô-ma 8: 23) Không những muôn vật thôi, lại chúng ta, là kẻ có trái đầu mùa của Đức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng, đang khi trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy.
Nhưng đáng tiếc thay, theo như thực tế cho thấy, có rất nhiều Cơ-đốc-nhân không trông đợi ngày vinh hiển khi Ðức Chúa Jêsus tái lâm. Sự kiện nầy dường như không hề thấy có trong tư tưởng của nhiều tôi con Chúa. Có lẽ vì bận rộn với đời sống, chuyên chú vào của cải đời nầy, mãi lo tìm hư danh trong thiên hạ mà rất nhiều Cơ-đốc-nhân không hề nghỉ đến, thậm chí không muốn nghe đến đề tài Chúa tái lâm.
Ðức Chúa Jêsus đã từng kể nhiều thí dụ để cảnh cáo những người không biết chờ đợi sẳn sàng ngày Chúa trở lại, như câu chuyện về mười người nữ đồng trinh có chép trong sách Tin lành Ma-thi-ơ đoạn 25. Cả mười người đều đợi chàng rể đến nhưng trong số họ chỉ có năm người là chuẩn bị sẳn sàng (dự trữ dầu cho đèn mà họ đang có, phòng khi chàng rể đến trễ) còn năm người kia thì không. Rốt lại, chỉ có năm người được đón vào tiệc cưới mà thôi. Khi năm người kia đi mua dầu và trở lại, thì dầu họ có nài xin thì cửa vẫn không mở và họ bị bỏ lại trong bóng đêm tăm tối.
Qua câu chuyện ấy thì Ðức Chúa Jêsus dạy dỗ cho con dân Ngài rằng những ai không biết trông đợi ngày Chúa tái lâm sẽ phải chịu đau đớn trong hình phạt, còn người biết trông đợi sự giải cứu của Chúa cả trong phương diện thuộc linh và thuộc thể sẽ kinh nghiệm được vui mừng trong đời sống mình.
Nhưng có lẽ một vài người trong chúng ta sẽ thắc mắc rằng tại sao việc không trông đợi Chúa tái lâm lại là nguyên nhân làm cho một người hụt mất ân điển cứu rỗi trong Chúa? Nếu người ấy đã cầu nguyện tin Chúa rồi, nhưng lại không biết trông đợi ngày Chúa trở lại, chẳng lẽ phải chịu hư mất đời đời như những người không tin?
Chúng tôi sẽ trình bày chi tiết hơn về tín lý trên trong một bài viết khác, còn trong phạm vi giới hạn của bài viết nầy thì chúng tôi chỉ nêu sơ lược như sau: Trong tất cả các tôn giáo trên thế giới ngày hôm nay thì chỉ có Cơ-đốc-giáo là đề cập đến ngày mà Ðấng Trọng Tâm của niềm tin chúng ta sẽ trở lại. Những tôn giáo khác thì không hề đề cập gì đến việc giáo chủ của họ sẽ trở lại trần gian. Chính vì lẽ đó, khi Cơ-đốc-nhân không biết trông đợi sự tái lâm của Ðức Chúa Jêsus thì sự tin Chúa của người ấy giống như niềm tin của người trong các tôn giáo khác và không thể gọi là đức tin thật được. Nếu Cơ-đốc-nhân biện minh rằng mình tin có Chúa mà không có hành động bày tỏ ra bên ngoài một cách xứng hiệp theo mẫu mực của Kinh thánh (chẳng hạn như việc chờ đợi Chúa trong sự sẳn sàng) thì lời của Chúa cho biết rằng ma quỉ cũng tin cùng một cách như vậy:
(Gia-cơ 2: 19) Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỉ cũng tin như vậy và run sợ.
Cơ-đốc-nhân cần phải biết phân biệt giữa sự tin Chúa thông thường và sự tin Chúa với đức tin thật. Lời của Chúa đã định nghĩa về đức tin một cách rất rõ ràng trong thư tín Hê-bơ-rơ:
(Hê-bơ-rơ 11: 1) Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.
Tin cách như trên mới được kể là đức tin thật. Khi Cơ-đốc-nhân biết chắc vững vàng rằng Ðức Chúa Trời là Ðấng có thật thì bằng cớ của đức tin ấy là biết trông đợi sự trở lại của Chúa mặc dầu điều ấy chưa được bày tỏ qua mắt nhìn thuộc thể. Sự trông đợi ấy được bày tỏ qua sự chuyên tâm tìm biết ý muốn của Ngài qua lời Kinh thánh hầu có thể sửa soạn đời sống cá nhân xứng đáng cho ngày vinh hiển khi Ðức Chúa Jêsus tái lâm:
(2Phi-e-rơ 3: 14) Vậy nên, hỡi kẻ rất yêu dấu, vì anh em trông đợi những sự đó, thì phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình an, không dấu vít, chẳng chỗ trách được.
Vì vậy lòng trông đợi nhận được sự cứu rỗi nơi Chúa được Kinh thánh kể là đức tin thật. Nhờ đức tin đó mà Cơ-đốc-nhân kinh nghiệm sự vui mừng trong đời sống nầy khi nhận biết Chúa đã giải cứu mình khỏi xiềng xích của tội lỗi để được tái sanh, kinh nghiệm sự vui mừng vì đã được giải cứu khỏi những ràng buột của tham muốn để dấn bước trên con đường nên thánh. Và cũng nhờ lòng trông đợi nhận được sự cứu rỗi từ nơi Chúa mà Cơ-đốc-nhân biết chuẩn bị đời sống mình cho sẳn sàng để chờ ngày được đón vào nơi vinh hiển đời đời hầu có thể vui mừng trong Chúa luôn luôn, như những lời đã được chép trong Kinh thánh:
(Phi-líp 3: 20) Nhưng chúng ta là công dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Jêsus Christ.
(Giu-đe 1: 21) Hãy giữ mình trong sự yêu mến Đức Chúa Trời, và trông đợi sự thương xót của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta cho được sự sống đời đời.
Trong mùa Giáng Sinh năm nay chúng tôi cậy ơn Chúa để chia xẻ với quý tôi con của Ngài một trong những cách dọn lòng mình mà Kinh thánh đã dạy bằng hai yếu tố quan trọng kể trên để có thể xứng đáng đón Chúa vào đời sống của chính mình một lần vĩnh viễn cho đời đời mai sau.
CÁC CÂU KINH THÁNH ÐÃ TRƯNG DẪN
(Rô-ma 3: 22) tức là sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi sự tin đến Đức Chúa Jêsus Christ, cho mọi người nào tin, chẳng có phân biệt chi hết.
(Rô-am 4: 24) Ðức tin sẽ được kể là công bình cho chúng ta, là kẻ tin Đấng đã làm cho Đức Chúa Jêsus, Chúa chúng ta, sống lại từ trong kẻ chết.
(2Cô-rinh-tô 11: 23) Họ là kẻ hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Ừ, tôi nói như kẻ dại dột, tôi lại là kẻ hầu việc hơn! Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết.
(Công vụ 19: 11-12) Đức Chúa Trời lại dùng tay Phao-lô làm các phép lạ khác thường, đến nỗi người ta lấy khăn và áo đã bận vào mình người mà để trên các kẻ đau yếu; thì họ được lành bịnh, và được cứu khỏi quỉ dữ.
(2Cô-rinh-tô 12: 2) Tôi biết một người trong Đấng Christ, cách mười bốn năm trước, đã được đem lên đến từng trời thứ ba (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết).